Buổi sáng, trên những đại lộ đầy bóng cây xanh như Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, Lê Quý Đôn, Sương Nguyệt Ánh... khi nắng vừa ửng trên mấy tàn cây sao, cây dầu, đám lá xanh óng ánh rì rào trong gió sớm, gió thổi những cánh hoa dầu như những chiếc dù bé tẹo xoay tít từ trên cao rồi lả tả đáp xuống mặt đường trông thật ngộ nghĩnh. Đàn chim sẻ trên các tàn cây giật mình vụt bay ra khỏi tổ khi chúng nghe tiếng cười đùa của những người cao tuổi từ những tụ điểm thể dục trở về.
Sài Gòn bây giờ công viên ngày càng mở rộng, cây xanh hầu như có mặt khắp nơi. Chỉ riêng Đầm Sen đã chiếm gần 10ha đất với cách cấu trúc cây xanh, hoa kiểng thật hài hòa, độc đáo. Từ cây sen, cây súng của Đồng Tháp Mười, cho tới cây xương rồng của xứ châu Phi, được bố trí thật khéo léo theo từng khu vực riêng biệt. Vào công viên, khách nhàn du có cảm giác như từng bụi cây, ngọn cỏ, từ chiếc ghế đá cho tới cây cầu bắc ngang ao, đầm… đều được chăm chút tỉ mẩn, chu đáo. Trên trời, dưới nước, trên đất liền là những quần thể cây xanh rợp mát một khoảng trời, Đầm Sen xứng đáng là lá phổi xanh của thành phố.
Một góc công viên TPHCM.
Đi xa ra ngoại ô một chút, công viên mang màu sắc huyền thoại, ưu tiên dành cho thiếu nhi, đẹp và lớn nhất Đông Nam Á là Suối Tiên với diện tích rộng hàng chục hec ta, cây xanh rợp bóng, hoa nở bốn mùa. Các hội thi trái cây hàng năm của khu vực phía Nam hội tụ về đây triển lãm để giới thiệu với du khách trong nước và nước ngoài nhiều loại hoa thơm trái ngọt của xứ sở hoa tươi và mặt trời.
Công viên loại “mi ni” nằm ngay trung tâm thành phố là công viên 23 Tháng 9. Đó là một rừng cây nho nhỏ nằm giữa hai đại lộ Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, đầu “rừng” ngó qua chợ Bến Thành rồi kết thúc ở đầu chợ Thái Bình. Dưới những tàn cây rợp bóng râm của me tây, huỳnh điệp, phượng vĩ… là những loài cây tàn lá thấp như hoa giấy, bông bụt, sao nhái, lài, tường vi… tầng thấp hơn nữa có hồng, vạn thọ, mồng gà… Đây cũng được xem như ngôi nhà thiên nhiên thân thiện của dân phố thị cũng như của khách du lịch. Sáng, trưa, chiều, tối lúc nào cũng có người. Sáng tinh mơ, từ 4 - 5 giờ mọi người đã lũ lượt kéo nhau đến tập thể dục buổi sáng. Đầu này dưỡng sinh, đầu kia đi quyền, góc nọ đánh vũ cầu, chạy bộ… tiếng nói tiếng cười râm ran cả một khoảng trời. Buổi trưa, khách đi đường thấy mệt trong người, cứ việc tạt vào nghỉ chân, có thể ăn trưa rồi dựa trên ghế đá thiu thiu trong chốc lát bởi tiếng gió xạc xào trên ngọn cây, tiếng chim ríu rít vô tư trong sự ồn ã của xe cộ.
Chiều hay tối, sau một ngày làm việc căng thẳng, muốn đắm mình trong thiên nhiên giây lát để rũ bỏ những điều đè nặng trong tâm trí, vừa để ngắm khu trung tâm thành phố lên đèn, người ta thường ra “23 Tháng 9”.
Dân Sài Gòn, mà nói chung là dân Việt Nam, ai cũng yêu thích hoa cỏ thiên nhiên nên không phải chỉ ở các nơi sang trọng hay các nơi công cộng bề thế, những hộ dân, biệt thự khang trang cho đến các chung cư xưa cũ nghèo nàn, tùy theo không gian mình có mà trồng hoa kiểng hoặc cây có tàn rậm để tự tạo không gian xanh nơi mình ở.
Có khu “vườn treo” trên tầng 6, tầng 7 của một chung cư, chủ nhân khu vườn tranh thủ trồng đủ các loại rau ăn, các loại dây leo như mướp, mồng tơi, khổ qua…, các loại hoa như lan, hồng, lài, nguyệt quế… Trên tầng cao mà hoa lá tươi xanh, rau ăn quanh năm giống y như một khu vườn nho nhỏ ở dưới đất, phải là những người tình sâu nghĩa nặng lắm với rau cỏ mới tạo được những khu “vườn treo” như vậy.
Đi trên đường phố Sài Gòn không sợ thiếu bóng cây. Mỗi năm TP đều có kế hoạch trồng thêm cây mới. Rừng cây xanh ngày một lan rộng, bao phủ, ôm ấp thành phố bằng những cánh tay xanh dịu dàng. Trời nắng có cây che, trời mưa có cây để nấp, mùa xuân cây ra hoa cho đẹp mắt người nhìn, mùa hè rộn rã tiếng ve râm ran, mùa thu có lá me bay lả tả, mùa đông khí trời se se, cây trụi cành, trụi lá khiến ai có tâm hồn thi sĩ không khỏi ngậm ngùi nhớ tiếc những gì đã vụt qua của đời mình.
Sài Gòn vẫn đẹp xinh và lãng mạn như thuở nào nhờ chiếc áo xanh ngày một tươi và lan tỏa mênh mông, bất tận.
(Theo SGGP)