Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

Những tín hiệu vui từ Đại lộ Đông - Tây (Phần 2)

Từng được hy vọng khi hoàn thành sẽ tạo tiền đề cho việc giãn dân cư, khu đô thị về phía đông, nam thành phố, xóa đi sự cách biệt về mặt địa lý của bán đảo Thủ Thiêm với trung tâm thành phố, đồng thời là công trình hầm dìm đầu tiên tại Việt Nam nên việc hầm vượt sông Sài Gòn (được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 1, vận tốc thiết kế đạt 60km/giờ với chiều dài 1.490 mét, cao 9 mét, rộng 33,3 mét, đủ chỗ cho 6 làn xe và 2 lối thoát hiểm) bao giờ hoàn thành vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người dân thành phố. Có mặt tại đầu hầm phía bờ tây sông Sài Gòn và đi thử vào tới cuối đường hầm dẫn tới sát bờ sông, chúng tôi không khỏi thán phục trước công trình sẽ được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2010. Có thể nói, cùng đường mới Thủ Thiêm, nó sẽ là tiền đề thúc đẩy kinh tế, biến bán đảo Thủ Thiêm trở thành “Phố Đông Sài Gòn” trong tương lai.
Công nhân đang làm việc trên phần đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm
Trên công trường đại lộ Đông - Tây
TỪ CÔNG TRƯỜNG HẦM VƯỢT SÔNG SÀI GÒN...
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TPHCM thì đến hết tháng 4-2009, khối lượng thực hiện tại phần hầm dẫn phía TPHCM của công trình đã đạt được khoảng 94%, trong khi phần hầm dẫn phía Thủ Thiêm cũng đã đạt 95%. Riêng phần hầm dìm là các đốt hầm đã đạt khối lượng khoảng 99%. Dẫn chúng tôi đi tham quan phần đường dẫn hầm phía TPHCM, kỹ sư Nguyễn Hà Huân cho biết, phần hầm dẫn công trình này được xây dựng theo công nghệ Top - Down rất hiện đại và đang được nhiều nhà thầu trong nước theo dõi để học tập. Theo đó, để đào hầm, các kỹ sư đã cho đúc phần nóc hầm trên phần tường vây (gọi là Diaphram Wall). Sau đó, với việc chừa một số lỗ trên nóc hầm, các công nhân đã đào xuống, lấy đi một khối lượng đất đá bằng với thể tích hầm theo hướng từ trên xuống. Nói thì dễ vậy nhưng để đào được một lượng đất đá khổng lồ trong lòng hầm không phải là việc dễ dàng. Theo ước lượng của kỹ sư Huân thì để đổ một ô nóc hầm có chiều dài khoảng 20 mét phải tốn tới 600m3 bê tông. Riêng việc thi công hai dãy tường rộng 1,2 mét, có chỗ âm sâu xuống lòng đất đến 34 mét để làm giá đỡ nóc hầm cũng không phải dễ dàng bởi lẽ để đổ bê tông tạo thành vách hầm, các kỹ sư phải đóng cọc barrette sâu xuống lòng đất, sau đó đào lấy đất rồi bơm dung dịch bentonite vào hố đào để giữ cho thành hố không bị sạt lở, từ đó mới bơm bê tông vào đáy hố để tạo thành bức tường làm giá đỡ nóc hầm. Mọi việc lẽ ra đã suôn sẻ nếu như không xảy ra sự cố xuất hiện một số vết rạn, nứt trên các đốt hầm hồi tháng 5-2008. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể thì hầm vượt sông Sài Gòn chỉ là một gói thầu trong tổng thể của dự án và các phần còn lại đang được nhà thầu chính và các nhà thầu phụ từng bước khắc phục khó khăn để hoàn thành. Được biết, hiện nay do thời tiết mưa nhiều nên việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Lương - Trưởng nhóm thi công của DNTT Hoàng An (một nhà thầu phụ), đang chỉ huy nhóm thi công của mình đóng cừ tràm chống bùn tràn vào công trình bờ kè dọc kênh Tàu Hũ - cho chúng tôi biết các công nhân của ông đã từng phải thức đêm để chống bùn, nước tràn vào công trình sau trận mưa lớn trước.
 Ông Vương Hoàng Thanh - Phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TPHCM - cho biết, nếu tính tổng khối lượng thực hiện trên gói thầu bao gồm hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm do nhà thầu Obayyashi (Nhật Bản) thực hiện thì gói thầu trên đã đạt khối lượng tổng thể khoảng trên 71%. Trên thực tế, gói thầu này gồm nhiều hạng mục như: cầu Khánh Hội thì tới nay cũng đã hoàn thành tới 98%, các đường công vụ cũng sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2009.
...ĐẾN ĐƯỜNG MỚI THỦ THIÊM VÀ NÚT GIAO XA LỘ HÀ NỘI
Theo ông Thanh cho biết, hiện nay công trình đường mới Thủ Thiêm dài khoảng 7,5km (nối từ hầm Thủ Thiêm tới nút giao xa lộ Hà Nội) sẽ được thông xe toàn bộ vào tháng 6-2010. Theo đó, hiện nay hầu hết các cây cầu trên tuyến đường này như cầu Cá Trê Lớn, cầu Kênh 2, cầu Kênh 1 đều đã đạt khối lượng khá lớn, chiếm từ 47-57%. Riêng phần mặt đường đến nay đã hoàn thành được gần 70% khối lượng và chậm lắm thì tới tháng 6-2010 cả con đường sẽ được thông xe toàn tuyến. Hiện tại, Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây đang thúc đẩy nhà thầu Obayyashi đẩy nhanh tiến độ để thi công hoàn thiện trước 1/2 bề rộng mặt đường và cầu đoạn từ nút giao xa lộ Hà Nội đến đường Trần Não qua đại lộ Đông - Tây để đi vào thành phố qua lối cầu Thủ Thiêm nhằm giảm bớt lưu lượng xe qua cầu Sài Gòn.

Trong hầm Thủ Thiêm
Hầm vượt sông Sài Gòn sau khi đi vào hoạt động sẽ xóa đi khoảng cách địa lý giữa thành phố với bán đảo Thủ Thiêm
Hy vọng với sự đóng góp sức lực của khoảng 2.000 công nhân, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài trên công trường, vào một ngày không xa con đường này sẽ hoàn thành, đóng góp vai trò quan trọng của mình trong việc kết nối giao thông giữa đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh miền Đông, xóa đi sự cách trở về mặt địa lý giữa trung tâm thành phố với bán đảo Thủ Thiêm, góp phần giảm bớt áp lực giao thông trong nội thành đồng thời rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển. Được biết, thời gian đi từ phía đông sang phía tây sẽ rút ngắn, chỉ còn khoảng 20 đến 25 phút khi đại lộ Đông - Tây hoàn thành.
(Theo Báo Công an TPHCM)

0 nhận xét:

SaneBull World Market Watch

World business news - CNNMoney.com