Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2009

“Mốt” làm phim ký sự truyền hình

Khi các chương trình games show trên truyền hình đang trở nên bão hòa, nhà đài đang chuyển hướng làm ký sự truyền hình và những chương trình truyền hình thực tế (THTT), vừa theo đúng xu thế hiện nay của thế giới, vừa tạo “khẩu vị” mới cho khán giả và đang trở thành “mốt”.

Hai dạng phim khác nhau

Năm 2000, HTV bắt đầu phát sóng phim ký sự đầu tiên Trung Hoa du ký (23 tập) và tạo ngay được sự quan tâm của khán giả xem đài. Sau đó, là ký sự Những nẻo đường Trung Hoa (9 tập) cũng tiếp tục nhận được sự cổ vũ của khán giả. Nhưng “đỉnh cao” của dòng phim ký sự, chính là Mê Kông ký sự (92 tập). Bộ phim làm nên một “thương hiệu” phim ký sự của TFS và sau thành công của bộ phim này, TFS tiếp tục cho ra đời hàng loạt các phim ký sự khác như: Ký sự hỏa xa – hành trình xuyên lục địa (75 tập), Huyền bí sông Hằng (70 tập), Ký sự Tân đảo (50 tập), Đi tìm dấu tích ba vua (70 tập)… Nhưng những phim thực hiện sau này không làm theo kiểu Mê Kông ký sự, mà nghiêng về thực tế, cập nhật thông tin, rất thời sự.

Chính vì thế, hiện nay có hai dạng thực hiện phim khác nhau: dạng phim ký sự đường dài (20 phút/tập), làm không phụ thuộc vào thời gian, quay xong về nhà dựng rồi mới phát sóng. Đây được xem như loại ký sự tài liệu nghệ thuật, có thể kể như: Mê Kông ký sự, Trung Hoa du ký, Những nẻo đường Trung Hoa, Cuba vẫn sống, Du lịch Cuba… 

Dạng còn lại được làm và dựng trực tiếp trên đường đi, rồi truyền về bằng đường bưu điện hoặc internet. Đây được xem là một dạng truyền hình thực tế như: Ký sự hỏa xa – Hành trình xuyên lục địa, Ký sự Amazon, Ký sự Mississippi, Ký sự hành trình theo chân Bác, Ký sự Tân đảo, Đi tìm dấu tích ba vua, Chinh phục đỉnh Everest…

Phim Mê Kông ký sự



Phim Ký sự hỏa xa – hành trình xuyên lục địa

Với loại truyền hình thực tế (10phút/tập), đoàn phim phải làm gối đầu trước 6, 7 tập rồi truyền về để phát sóng, sau đó tiếp tục quay và dựng trên đường đi. Kết thúc giai đoạn quay hình, khi về nhà, đoàn có khoảng từ 15 đến 20 ngày dựng những tập còn lại. Kiểu thực hiện này được gọi là làm phim cuốn chiếu. Vì thực hiện trong tình thế phải có phim để phát sóng, lời bình viết vội trên đường di chuyển, nên khó đạt độ sâu sắc, hoàn chỉnh. 

Với dạng phim ký sự đường dài (20 phút/tập), vì không chịu áp lực về thời gian, nên phim được làm kỹ, lời bình cũng chỉn chu hơn vì có thời gian nghiên cứu sách vở kết hợp với những thông tin thu lượm được trong suốt quá trình đi quay. Đây là những phim có chất lượng hình ảnh và giá trị nghệ thuật cao. Chỉ nêu ra một ví dụ cụ thể để thấy sự khác nhau căn bản của hai thể loại này: Mê Kông ký sự phải mất 5 năm để hoàn thành 92 tập phim (20 phút/tập), trong khi Ký sự hỏa xa – Hành trình xuyên lục địa, Huyền bí sông Hằng, Trở lại Vonga, Ký sự hành trình theo chân Bác, Ký sự Mississippi đều có độ dài khoảng 70 tập (10 phút/tập), chỉ mất không tới 3 tháng. 

Thời gian gần đây, khán giả có than phiền về chất lượng các phim ký sự, các chương trình THTT vì chưa hiểu hết cách thức làm việc của hai dạng phim này.

Truyền hình thực tế đang trở thành “mốt”

Những người làm truyền hình đều khẳng định, THTT đang là xu hướng hiện nay trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. “Chỉ có điều, ta luôn luôn đi sau họ và ta khó lòng làm hay, làm hấp dẫn bằng họ” – một nhà sản xuất chương trình THTT nhìn nhận. Thiếu kinh nghiệm, kinh phí, máy móc và cả con người là những yếu tố khiến cho các chương trình THTT hiện nay khó đạt chất lượng như mong muốn. 

Chương trình Chinh phục đỉnh Everest, nhà sản xuất đã phải thuê chuyên gia nước ngoài huấn luyện, thuê quay phim nước ngoài đã từng chinh phục Everest để ghi hình, đặt may quần áo chuyên dụng ở nước ngoài đủ tiêu chuẩn để các vận động viên leo núi; máy quay phim, laptop cũng phải đặt mua cho phù hợp với địa hình khí hậu ở trên cao… 

Khó khăn thế, nhưng hiện nay không chỉ có TFS mà nhiều đơn vị, công ty khác cũng “nhảy” vào làm THTT. Nếu ngày trước games show được ưu tiên giờ vàng, thì nay đến THTT. Đó là lý do, những chương trình THTT sau này đều có tài trợ. Nhiều ý kiến cho rằng, vì có tài trợ nên các chương trình THTT sau này kém hấp dẫn vì bị nhà tài trợ chi phối. Việc có các tour du lịch “nhúng tay” vào, nên đường đi của các chương trình THTT không còn kỳ thú, mới lạ vì phải đi theo tour du lịch của đơn vị đó. 

Hiện nay, HTV được xem là đơn vị sản xuất nhiều chương trình THTT nhất. Còn trên sóng VTV cũng đã có 3 chương trình THTT: Phụ nữ thế kỷ 21, 72 giờ thử thách và Hành trình 2468 được phát vào tối thứ bảy hàng tuần. 

Trong Hội chợ băng đĩa tại thành phố vừa qua, DVD được nhiều người tìm mua và mua với số lượng nhiều chính là các phim ký sự của HTV. Nhu cầu của người xem về dạng phim này là có thật và các chương trình THTT hiện nay đang có lượng người xem rất đông. Với xu thế mới, mọi người lại đang đổ xô làm phim ký sự, làm chương trình THTT, nhưng với kiểu thực hiện vội vàng, đội ngũ không chuyên nghiệp sẽ nhanh chóng khiến khán giả thấy nhàm và bội thực như với games show vậy. 

(Theo SGGP Online)




0 nhận xét:

SaneBull World Market Watch

World business news - CNNMoney.com