Tại TP.HCM, việc nâng cấp, mở rộng đường thường xuyên đình trệ từ năm này sang năm khác. Có những cây cầu xây xong chỉ để... thả diều bởi thiếu đường dẫn; xe cộ đậu tràn lan hè phố vì không có bãi đậu; những chiếc xe buýt cồng kềnh vắng khách chạy chồng chéo...
Quỹ đất dành cho giao thông của TP.HCM chỉ dưới 5%, quá thấp so với mức chuẩn từ 20 - 25%. Đã vậy việc mở đường lại vô cùng chậm trễ và lúc nào cũng "hụt hơi" chạy theo nhu cầu lưu thông.
Mỗi năm TP.HCM đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất, trong đó có nhiều nguyên thủ, chính khách quan trọng. Để vào trung tâm TP.HCM, khách quốc tế đều phải đi qua trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Thế nhưng, con đường đóng vai trò ngoại giao này lại chật hẹp, nhếch nhác chẳng khác gì đường... ngoại ô. Đó là chưa kể đường thường xuyên bị kẹt xe, cả trong lẫn ngoài giờ cao điểm, nhất là từ 2 năm trở lại đây khi xuất hiện hàng loạt "lô cốt" lắp đặt cống thoát nước.
Đường bộ: liên tục lỗi hẹn
Từ năm 2002, UBND TP.HCM đã thống nhất chủ trương mở rộng, nâng cấp đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa và dự kiến hoàn thành vào năm 2004. Nhưng đến cuối năm 2005, dự án mới được khởi công, với tổng vốn đầu tư khoảng 850 tỉ đồng. Động thổ rầm rộ, nhưng hơn 6 tháng sau, nhà thầu mới lai rai thi công vì các lý do vướng giải tỏa, đụng công trình tiện ích ngầm...
Từ đó đến nay, dự án liên tục "lỗi hẹn" thời gian hoàn thành, thay vì đưa vào sử dụng toàn bộ công trình trong năm 2008, thì đến tháng 8.2007, mới hoàn tất được phần giải phóng mặt bằng, mở rộng và di dời hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1). Sau đó, công trình ngưng trệ cho đến nay vì vướng mặt bằng dự án Vệ sinh môi trường, khiến bộ mặt cửa ngõ quốc tế của TP.HCM nhếch nhác suốt gần 4 năm qua.
Rõ ràng, ở trường hợp mở đường này, các cơ quan quản lý đã thể hiện sự thiếu tính toán vì bố trí thời gian thi công không hợp lý, để công trình này "ngáng chân" công trình kia.
Tương tự, xa lộ Hà Nội là trục lưu thông chính cho xe cộ giữa TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng không được đầu tư đúng mức. Chỉ đến năm 2008, khi tình trạng kẹt xe trở nên căng thẳng thì TP.HCM mới có chủ trương mở rộng, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể khởi công vì vướng giải tỏa.
Hiện nay, xa lộ Hà Nội là một trong những trục đường thường xuyên kẹt xe của TP.HCM, căng thẳng nhất phải kể đến các điểm nóng như ngã ba Cát Lái, ngã tư Thủ Đức, giao lộ Thảo Điền, khu vực Suối Tiên...
Nhiều dự án mở đường khác tại TP.HCM cũng chậm trễ ở mức "kỷ lục", như đường Đặng Văn Bi (Q.Thủ Đức) dài chỉ 1,6 km mà triển khai 5 năm nay chưa xong; đường Chánh Hưng nối dài (thuộc 2 huyện Bình Chánh và Nhà Bè) dài 3 km khởi công từ năm 2003 đến nay còn dang dở; đường Phạm Văn Bạch (Tân Bình, Gò Vấp) dài 6 km được chấp thuận chủ trương mở rộng 7 năm trước, đến nay vẫn chưa động thổ...
Đường vành đai
Tiến độ thực hiện bốn tuyến đường vành đai khép kín (theo quy hoạch đến năm 2020) cũng không khả quan. Trong đó, dự án đường vành đai 1, đến nay mới triển khai đoạn Tân Sơn Nhất - cầu Bình Lợi - vành đai ngoài. Còn đoạn từ sân bay Tân Sơn Nhất - Hoàng Văn Thụ - ngã tư Bảy Hiền - Âu Cơ - đại lộ Đông Tây - Nguyễn Văn Linh được nghiên cứu từ năm 2002 đến nay vẫn chưa thấy rục rịch. Đường vành đai 2 dự kiến khởi động trong năm nay và khép kín vào năm 2012. Còn các đường vành đai 3 và 4 có vai trò rất quan trọng trong kết nối các đô thị vệ tinh, kết nối các khu công nghiệp với cảng biển, đảm bảo phân luồng từ xa, giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực trung tâm... vẫn đang chờ chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Đường trên cao: mỏi mòn chờ
Việc xây dựng đường trên cao - cầu cạn được xem là giải pháp hiệu quả để đảm bảo diện tích mặt đường hợp lý tại các thành phố lớn. Giải pháp này có lợi thế hơn hẳn so với xây dựng đường bình thường vì không gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, hơn nữa còn góp phần tạo cảnh quan đẹp. Dù đã được quy hoạch hẳn hoi nhưng đến nay, cả bốn dự án đường trên cao của TP.HCM vẫn chưa đâu vào đâu.
Từ năm 2002, TP.HCM đã thống nhất chủ trương xây dựng đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đường trên cao số 1). Đường cao 12m, dài 10,8 km, với 4 làn xe, nối thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất, xuyên qua trung tâm TP, đi vào khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo tính toán, nếu đi bằng đường hiện hữu từ sân bay Tân Sơn Nhất tới khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ mất 60 phút. Trong khi đó, cũng với quãng đường này, nếu sử dụng đường trên cao Nhiêu Lộc - Thị Nghè, với tốc độ tối đa cho phép 80 km/giờ, xe cộ chỉ mất khoảng 12 phút. Hơn nữa, đường không bị cắt bởi các giao lộ nên lưu thông thông suốt, không gây kẹt xe. Tuy nhiên đến nay mới chỉ hoàn tất các bước chuẩn bị đầu tư và vẫn chưa biết ngày khởi công.
Ba dự án đường trên cao còn lại cũng đang nằm trên giấy. Trong đó, đường trên cao số 2 (từ Tô Hiến Thành - Lạc Long Quân, dài 10 km) được giao cho Tập đoàn Wijaya Baru (Malaysia), đường trên cao số 4 (từ nút giao Bình Phước - Điện Biên Phủ, dài 9,6 km) giao cho Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng). Riêng đường trên cao số 3 (từ Tô Hiến Thành - Nguyễn Văn Linh, dài 8,5 km) hiện đang kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.
Tắc đường xe tải
Đường liên tỉnh lộ 25B từ xa lộ Hà Nội đến cảng Cát Lái (Q.2) chỉ có 2 làn xe nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) - chủ đầu tư dự kiến sẽ khởi công mở rộng đường liên tỉnh lộ 25B (giai đoạn 2) trong năm nay. Tuyến đường dài khoảng 6 km, được xây dựng với tổng vốn đầu tư 625 tỉ đồng, thi công trong thời gian khoảng 15 tháng sau khi Q.2 bàn giao mặt bằng.
Trong khi đó, do đền bù giải tỏa chậm, nên đường kết nối từ cầu Phú Mỹ với Q.9 chưa thể hoàn thành kịp vào cuối năm nay. Nhưng dù có hoàn thành kịp đi nữa, thì cũng chưa thể kết nối với Q.9 được, vì dự án cầu Rạch Chiếc (một dự án khác) trên tuyến đường này hiện chưa được triển khai.
Chính vì vậy nên khi hoàn thành cầu Phú Mỹ vào đầu tháng 9 tới, xe tải sẽ không thể đi thẳng ra Q.9 để ra xa lộ Hà Nội mà phải ra liên tỉnh lộ 25B, con đường đang quá tải sẽ càng quá tải hơn.
Cảng sắp xong, đường chưa khởi công
Tháng 5.2009, Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã khởi công xây dựng cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Không có đường vào nơi khởi công, nên buổi lễ đã diễn ra trên một chiếc tàu du lịch.
Theo quy hoạch, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước ở bờ phải sông Soài Rạp, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, nằm trong khu công nghiệp Hiệp Phước, cách trung tâm TP gần 30 km. Cảng có tổng diện tích 53,9 ha. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 8,7 triệu tấn/năm. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2011 cho giai đoạn 1 và từ năm 2011 - 2014 cho giai đoạn 2. Ngoài ra, khu vực này còn có 6 cầu cảng chuyên dụng khác đang hoạt động, cho tàu trọng tải từ 15.000 - 20.000 DWT.
Ở khu công nghiệp Hiệp Phước còn có cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT), được Chính phủ cấp phép đầu tư 366 triệu USD. Đây là cảng của liên doanh Dubai World (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận, cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn (DWT). Tổng diện tích cảng khoảng 44 ha. Giai đoạn 1 của cảng SPCT sẽ hoàn thành vào cuối quý 3/2009.
Cảng sắp đi vào hoạt động, nhưng theo SPCT, tuyến đường bộ kết nối cảng với đường trục chính của TP vẫn chưa sẵn sàng. Phần mở rộng đường trục bắc - nam (đường Nguyễn Hữu Thọ), quận 7, theo SPCT, TP hứa là sẽ hoàn tất vào cuối năm 2009 nhưng tiến độ xây dựng hiện nay rất chậm, trong khi đó 2 làn xe hiện hữu đang trong tình trạng rất xấu.
Đường từ cầu Bà Chiêm đến khu công nghiệp Hiệp Phước theo kế hoạch giai đoạn 1 hoàn thành vào tháng 6.2009. Vậy mà, đến nay đoạn đường này vẫn chưa được khởi công!
Cảnh xe tải nối đuôi nhau trên các trục đường ra vào các cảng ở TP.HCM đã quá quen thuộc với người dân hơn chục năm qua, đến nay chưa có gì sáng sủa nếu không muốn nói là ngày càng tệ hại hơn.
(Theo Thanh niên online)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét