Sang đất bạn là bước vào một cửa khẩu to, có dấu ấn khác biệt về không gian kiến trúc, vóc dáng, đường dẫn, cổng chào và sự nghiêm cẩn của an ninh, của trật tự đường đi lối lại. Phía ta, ngoại trừ cây cột mốc chung ở cửa khẩu là mới, phía sau là căn nhà làm thủ tục xuất nhập cảnh cũ kĩ, chật chội. Những bốt kiểm soát có vẻ tạm bợ. Cửa khẩu là con đường bùn đất vương lầy lội, láo nháo người tìm nhau, xe đưa đón. Một nhà vệ sinh tin hỉn đầu hồi đã bị bịt, với dòng chữ phấn trắng nguệch ngoạc báo đang sửa chữa...
Tháng trước, nhân lúc rảnh việc bèn rủ mấy người bạn sang Quảng Tây chơi. Tiện thể thăm thú một vài cơ sở văn hoá ở Nam Ninh, Quế Lâm và xem một show diễn ngoài trời, được đồn là hoành tráng lắm: “Ấn tượng chị Tam Lưu”, của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, tại thị trấn du lịch Dương Sóc, cách cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn chừng hơn 700 cây số.
Sự phát triển đáng gờm của nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: mofahcm.gov.vn
Những lần đi công cán trước đây ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tô Châu, Nam Kinh, Thẩm Quyến, Quảng Châu… bằng đường không nên chỉ biết xứ người loanh quanh từ sân bay vào trong phố. Thực lòng là thấy gờm sự năng động và phát triển, cả những dự cảm tiềm ẩn của láng giềng to Trung Quốc. Chả thế mà ở New York, đi siêu thị nào cũng bày xúng xính áo quần, giày dép, đồ chơi “Made in China”, đủ biết ông bạn láng giềng muốn cả thế giới là siêu thị Tàu như thế nào. Mấy quốc gia bạn hàng gia công truyền thống cho Hoa Kì ở Nam Mỹ, Trung Á, châu Phi đã từng phen len lén ngậm ngùi vì cái thị phần ngon xơi bị tùng xẻo đến hồi ngắc ngoải.
Lần này rủ nhau đi đường bộ, là cốt để được ngắm nhìn sông núi Quế Lâm được dân bản địa ví như Hạ Long trên cạn. Và ngắm nhìn là cái thú “trông trời trông đất trông mây...” của dân xứ ta, có lẽ vì thế mà ta sinh lắm thơ ngâm vịnh, tả cảnh. Ai trong đời, có một ít chữ cũng tí toáy đôi câu “sơn thủy hữu tình”, chẳng phải tư tưởng cao siêu làm gì cho nặng óc. Vả lại, qua cái tỉnh giáp biên, thuộc khu tự trị dân tộc Choang, nghĩa là tỉnh vùng sâu vùng xa, chỉ xếp thứ 11/18 tỉnh thành của Trung Quốc về phát triển, nên có dịp xem vùng sâu, vùng dân tộc của bạn nó rưa rứa ta không hay lạc hậu hơn, đặng để trông người mà ngẫm đến ta, mà thi đua tiến lên hội nhập quốc tế?
Mấy trăm cây số đường cao tốc tới thủ phủ Nam Ninh, tịnh không thấy bóng chiếc toyota đầu bằng (công nông), xe thô sơ nào; càng không thấy người láo nháo qua lại, tạt ngang tạt dọc. Thành thử, bỗng thấy đường vắng quá. Xem ra việc này không được tiện thể như ta nhỉ? Bà con nông dân chả biết làm ăn gì mà rơm rạ, lúa má, ngô khoai không thấy phơi ra như ở “cao tốc” Láng – Hòa Lạc và các quốc lộ khác. Lại thấy, nhân viên trạm vé toàn các chân dài duyên dáng, mặt mũi thanh tao, nụ cười nhã nhặn, đồng phục màu xanh da trời.
Cậu gai-đơ (guider) quê ở Nam Ninh, đi Hà Nội như đi chợ hàng ngày cười bảo, các em nghề soát vé phải tinh tuyển. Ngoài hình thể ưa nhìn, khi gặp lái xe các cô gái phải tươi cười và câu cửa miệng là ní hảo (cảm ơn), thế thì người đi đường vừa thấy cái uy trật tự giao thông, cái văn hóa giao tiếp, lại không... buồn ngủ. Ai lại buồn ngủ vì những nụ cười duyên thế.
Lạ nhỉ, sao mấy lần đi qua trạm vé đường Láng – Hòa Lạc, “bản thân” chỉ gặp mấy ông bà nhân viên ăn mặc lôm nhôm, khẩu trang, khăn khố bịt bùng như những Nin-da hiện đại Nhật Bổn mới nhập khẩu về. Và đặc biệt, họ rất “nhanh tay lên nào chị em ta ơi” chộp luôn cả cuống vé của khách, đến nỗi xước cả tay chú xế. Giá có một nhời, giả vờ văn minh thôi cũng được, rằng xin vé để quay vòng, thông cảm thời buổi “thóc cao gạo kém” thì ai nỡ không cho? Ấy là chưa kể, chỉ một đoạn đường, mỗi trạm lại một giá, chỉ tổ gây ức chế cho “cán bộ đường lối”, ôtô nó mới hay húc gốc cây, leo dải ngăn cách... làm nên láo nháo giao thông, bản sắc Việt là vậy. Tây sang ta thì cứ gọi là lắc đầu lè lưỡi, nín thít, khỏi bình luận luôn.
Ngạc nhiên, dĩ nhiên rồi, nó đã phá tan tưởng tượng ban đầu của tôi về một vùng sâu của người Choang. Nam Ninh hiện đại với những cao ốc, công viên, cầu vượt… Trung tâm hội chợ, triển lãm Quốc tế Trung Quốc - Asean hoành tráng, sừng sững trên đồi cao mà có lẽ Trung tâm hội nghị Quốc gia ở Hà Nội chỉ bằng một góc. Nam Ninh là thành phố xanh, bình quân trên 9 mét vuông cây xanh một người (Hà Nội khoảng 1,3 mét vuông). Thành phố này đã qua nhiều năm rồi, thời xe máy còn lộn xộn chèn nhau trên phố.
Và Quế Lâm, thành phố “nhị sông tứ hồ” lung linh, huyền ảo. Những con thuyền du khách vãn cảnh đêm, những quần thể kiến trúc mờ tỏ trong ánh đèn laze, đèn vàng dẫn ta trôi vào tiên cảnh. Một phố Tây ở thị trấn Dương Sóc sầm uất với quán ba, phòng nhảy, tiệm hàng và chợ đêm náo nhiệt. Thế giới của mua sắm. Các ông Tây bà đầm, khách châu Á, khách nội quốc dập dìu, chen vai mua sắm, vãn cảnh, ăn nhậu, và nhạc và nhảy. Các cô gái mặc váy ngắn, quần soóc bò, hấp háy rốn đứng nhún nhẩy theo nhạc trước các bar mời khách. Bài này thì từ ta sang Mỹ, từ Âu sang Á đều giống nhau. Đây là thời của teen, của quần trễ cạp và hiphop toàn thế giới.
Cách đó không xa, sân khấu hồ nước ngoài trời rất đặc sắc, một đêm hai buổi trình diễn “Ấn tượng chị Tam Lưu”. Với khoảng 600 diễn viên nghiệp dư của các làng quanh thị trấn tham gia múa hát, thu hút tới hơn vạn người xem. Cứ Việt hoá Tệ thì giá vé khoảng trên 300.000 đồng, doanh số bán một đêm khoảng trên 3 tỉ, mà các show diễn thì cứ ngày này sang tháng nọ (sẽ có dịp trở lại show diễn), mới thấy sức mạnh của nền công nghiệp không khói (du lịch) xứ người tổ chức có bài, có mẹo, có mảng miếng thế nào. Nghĩ thế, lại thấy tiếc các ưu thế của sông hồ Hà Nội. Một sự so sánh nào đó với các thành phố ở ta vào lúc này chỉ làm ta nao lòng.
Nhưng không phải chuyện phố xá của Nam Ninh, Quế Lâm, hay Dương Sóc. Cũng không phải chuyện người Choang, người Di, người Đồng… ở Quảng Tây đã có một thân phận rất khác những gì tôi từng nghĩ. Càng không phải chuyện ông Trương Nghệ Mưu biết mang cái tài nhân bản mô hình diễn ra cả nước đặng hốt tiền (Trương quê ở Quảng Tây), mà là chuyện cái cửa khẩu.
Chúng tôi sang đất bạn là bước vào một cửa khẩu to, có dấu ấn khác biệt về không gian kiến trúc, vóc dáng, đường dẫn, cổng chào và sự nghiêm cẩn của an ninh, của trật tự đường đi lối lại. Phía ta, ngoại trừ cây cột mốc chung ở cửa khẩu là mới, phía sau là căn nhà làm thủ tục xuất nhập cảnh cũ kĩ, chật chội. Những bốt kiểm soát có vẻ tạm bợ. Cửa khẩu là con đường bùn đất vương lầy lội, láo nháo người tìm nhau, xe đưa đón. Một nhà vệ sinh tin hỉn đầu hồi đã bị bịt, với dòng chữ phấn trắng nguệch ngoạc báo đang sửa chữa. Bi hài thay, ông bạn “yếu thận” của tôi cứ chạy vòng quanh, nhăn nhó vì không biết “giải cứu” bằng cách nào. Thú thực, chúng tôi cùng thốt lên, sao cửa khẩu bên mình nhếch nhác thế!
Nhếch nhác, lại căn bệnh nhếch nhác! Nhếch nhác, dễ dãi và tạm bợ, sao nó nhiễm lâu thế trong tư duy, trong lối sống của mình.
Hữu Nghị, một cửa khẩu lớn và lâu đời trên biên giới phía Bắc. Nó là cửa ngõ, là gương mặt, là tư thế, là phên dậu của một quốc gia. Bao nhiêu thứ “ăn chơi nhảy múa” còn có người không tiếc dốc hầu bao đầu tư, một cửa khẩu quốc gia cho đàng hoàng, uy nghi, cho tư thế, cho hấp dẫn du khách còn chờ đến bao giờ nhỉ?
Bao giờ, bao giờ? Các cụ ta vẫn bảo: “Nhà cao cửa rộng”, “nhà có khuôn có phép”. Đây là ngôi nhà Tổ quốc, cửa ngõ Tổ quốc. Cứ thế mà trông ra, mà ngẫm, mà chạnh lòng biết mấy!
(Theo bài viết của Nhà thơ Trần Quang Quý trên VietnamNet)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét