Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Những cú sốc ở World Cup 2010

World Cup 2010 đã kết thúc và đúng như ý nghĩa của giải đấu lần đầu tiên tổ chức ở châu Phi đầy huyền bí, nó cũng có rất nhiều sự kiện đặc biệt nếu không muốn nói là những cú sốc.

1. Bạch tuộc Paul

Việc ai vô địch không còn quan trọng, bởi kẻ lên ngôi quá xứng đáng. Những kẻ hứng chịu thất vọng cũng đã dần nguôi ngoai. Chỉ có 1 điều duy nhất khiến cả thế giới phải thắc mắc, đó là khả năng dự đoán của bạch tuộc Paul. Không chỉ dự đoán đúng 100% các trận của ĐT Đức, Paul còn khiến thế giới đảo điên với sức hút đầy ma lực. Paul thực sự đã gây nên một cơn sốt trên toàn thế giới, và có thể mở ra hẳn một trào lưu mới trong các giải đấu lớn: trào lưu dùng động vật để dự đoán. Thậm chí có giả thuyết rằng, những dự đoán của Paul ảnh hưởng đến thành tích của các ĐT, khiến các cầu thủ bị tâm lý. Trong thời gian World Cup, đặc biệt từ tứ kết, dự đoán của Paul được truyền hình trực tiếp, được các ĐT chờ đợi, xuất hiện trên trang nhất hầu hết các báo chí thể thao trên thế giới. Không ít các chuyên gia nghiên cứu động vật đã vào cuộc nghiên cứu, các nhà toán học phân tích… nhưng có lẽ “vụ Paul” sẽ mãi là bí ẩn huyền thoại. Chính vì thế, sự xuất hiện của bạch tuộc Paul ở World Cup 2010 xứng đáng là một sự kiện đứng vị trí số một!

2. Thảm họa của ĐT Pháp, Anh, Italia…

ĐKVĐ Italia trút bỏ vương miện và long bào ngay sau vòng bảng ở vị trí bét bảng F, sau cả New Zealand. Á quân Pháp bị loại với 1 điểm, 1 bàn thắng và vị trí bét bảng A. Anh rời Nam Phi với thất bại tan nát trước Đức (1-4). Quả thật, đó là những thảm họa của World Cup, những kết cục mà chẳng cần phân tích cũng đủ thấy đó là những điều khó tin nhất trong lịch sử. Sự già nua của Italia, sự kệch cỡm của những ngôi sao nước Anh và sự hoảng loạn, đấu đá trong nội bộ ĐT Pháp được coi là nguyên nhân chính tuyên án cho những triều đại từng được tôn sùng. Lần đầu tiên trong lịch sử cả ĐKVĐ lẫn Á quân đều bị bắn hạ ngay từ vòng bảng. Chừng đó đủ để khẳng định, đây là những cú sốc có lẽ lịch sử chỉ diễn ra có 1 lần.

3. Ý chí và cảm xúc châu Á

Giọt nước mắt của Jung Tae Se (CHDCND Triều Tiên) trong lễ chào cờ trận gặp Brazil chắc chắn sẽ là một trong những hình ảnh tiêu biểu của World Cup 2010. Dù không thành công, nhưng quyết tâm, nhiệt huyết và khát vọng của Jung Tae Se và ĐT CHDCND Triều Tiên là điều mà cả thế giới phải ghi nhận. Cùng với chặng đường oanh liệt của Nhật Bản và Hàn Quốc, các đại diện châu Á đã gây được tiếng vang lớn và tạo nên bước ngoặt cho chính mình ở giải đấu lớn nhất hành tinh. Nhật Bản hạ Đan Mạch 3-1, chỉ thua Paraguay trên chấm 11m luân lưu. Hàn Quốc hạ cựu VĐ châu Âu Hy Lạp, chỉ thua Uruguay. Họ đã khẳng định rằng, trình độ và đẳng cấp của bóng đá châu Á đã ngang tầm với Nam Mỹ và châu Âu. Và ấn tượng tuyệt vời nhất của họ là sự quật cường, ý chí chiến đấu đến cùng. Đó là điều làm rạng danh châu Á.

4. Sai lầm nghiêm trọng của trọng tài

Nếu như những loạt trận đầu ở vòng bảng diễn ra khá êm đẹp về công tác trọng tài thì từ vòng 1/8, những ông “Vua áo Đen” trở thành nỗi ám ảnh. Ngay trong 2 trận vòng 1/8 diễn ra cách nhau vài tiếng (Đức - Anh là trọng tài Jorge Larrionda của Uruguay và Argentina - Mexico là ông Rosetti người Italia), các trọng tài đã phạm 2 sai lầm nghiêm trọng, góp phần khiến Anh và Mexico bị loại. Tiếp sau đó, những scandal tiếp tục diễn ra, dù không nghiêm trọng như Larrionda và Rosetti, nhưng vẫn có những tiếng la ó. Thậm chí, FIFA đã phải lên tiếng xin lỗi ĐT Anh, Mexico và cam kết sẽ có điều chỉnh về công tác trọng tài cũng như áp dụng công nghệ vào bóng đá.

5. Dấu ấn cầu thủ trẻ

Khi các siêu sao được kỳ vọng nhất “lặn mất tăm” thì dấu ấn của những cầu thủ trẻ lại in đậm trên khắp các sân cỏ Nam Phi. Từ Hernandez, Vela (Mexico), tới Suarez (Uruguay), Hamsik (Slovakia), rồi Mueller, Oezil, J.Boateng (Đức) hay Andre Ayew, K.P.Boateng (Ghana),… đều có chung 2 điểm: tuổi trẻ và sự tỏa sáng ở World Cup.

Sau những gì đã thể hiện, họ đang được rất nhiều CLB lớn ở châu Âu săn lùng. Không chỉ là những phát hiện thú vị tại World Cup, những tên tuổi này đã đóng góp rất nhiều vào lối chơi của đội nhà. ĐT Đức vừa giành hạng Ba World Cup và lập kỷ lục 3 kỳ Cúp thế giới liên tiếp lọt vào Top 3 (2002 - Đức đoạt danh hiệu Á quân; 2006 - họ cũng giành vị trí thứ Ba), Mueller mới 20 tuổi cũng kịp đóng góp 5 bàn thắng/6 trận (anh bị treo giò trận bán kết với Tây Ban Nha) của đội nhà tại Nam Phi. Và chắc chắn, những tài năng trẻ như Mueller mới góp phần làm nên thành công của Cúp thế giới lần thứ 19.

6. Cú đấm bóng của Suarez khép lại thảm họa châu Phi

Xem những phút cuối hiệp phụ trận Uruguay - Ghana, ai cũng nghĩ Luis Suarez là một… vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp đang chắn bóng cho đội nhà. Chân sút 23 tuổi của Uruguay này chính là cái tên mới nhất trong nhóm những cầu thủ dùng tay chơi bóng nổi tiếng nhất tại vòng loại và VCK các kỳ World Cup. Ở phút bù giờ cuối cùng của hiệp phụ thứ hai (khi tỉ số đang là 1-1), Suarez đã quên mình, chấp nhận hy sinh để dùng cả 2 tay đấm bóng cứu thua cho La Celeste ngay trên vạch vôi.

Suarez lãnh thẻ đỏ trực tiếp. Ghana được hưởng penalty. Nhưng Asamoah Gyan lại sút bóng dội xà. Trên đường đi vào đường hầm, Suarez cũng kịp chứng kiến khoảnh khắc lịch sử ấy và nhảy lên vì sung sướng. Cú đấm bóng của anh mở toang cánh cửa vào bán kết cho Uruguay sau 40 năm dài chờ đợi. Còn bóng đá châu Phi không thể bước qua được ngưỡng cửa tứ kết định mệnh.

7. Thất bại của Nam Mỹ

Ngay sau vòng bảng, người ta tung hô Nam Mỹ như… những nhà VĐTG, bởi có cả 5 đại diện lọt vào vòng 1/8. Tại vòng tứ kết, số đội bóng của khu vực này vẫn là 4 đội (vì một cặp nội chiến Nam Mỹ Brazil - Chile với phần thắng 3-0 nghiêng về Selecao). Và giới chuyên môn đã nhận định rằng sẽ có một vòng bán kết toàn Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử World Cup.

Thế nhưng, 3/4 tên tuổi của Nam Mỹ đã bị loại một cách cay đắng, trong đó có 2 cú sốc Brazil bị Hà Lan hất cẳng sau khi đã dẫn bàn trước và Argentina thua Đức 4 bàn không gỡ (Paraguay thua Tây Ban Nha). Đại diện duy nhất còn lại vào vòng 4 đội mạnh nhất lại là một Uruguay không được đánh giá cao và phải đi đường vòng (đá play-off với Costa Rica ở vòng loại). Nam Mỹ đã có một World Cup hoàn toàn thất bại, dù khởi đầu như trong mơ.

8. Những “ngôi sao” không sáng

Giải đấu năm nay chắc chắn là một trong những kỳ World Cup gây thất vọng nhất trong lịch sử. Đó là mùa World Cup mà hầu hết những ngôi sao được đánh giá cao đều không đáp ứng được sự kỳ vọng.

Ribery và Cannavaro đã chơi rất tệ và phải sớm cùng đội nhà khăn gói rời Nam Phi ngay sau vòng bảng. Những ngôi sao lừng danh khác như Rooney và Messi hay Torres thậm chí còn không ghi nổi bàn thắng nào.

Không đến nỗi im hơi lặng tiếng như những cầu thủ đã để cập ở trên, nhưng dấu ấn của tiền vệ Ronaldo ở ĐT Bồ Đào Nha cũng như trường hợp của Kaka ở ĐT Brazil đều không thực sự gây ấn tượng.

Có nhiều lý do để giải thích sự trầm lắng đáng kinh ngạc này. Nhưng tựu chung vẫn là 2 nguyên nhân chính, một là sự quá tải của các ngôi sao sau một mùa giải bị vắt kiệt sức tại các giải VĐQG, tiếp đến là lối chơi quá thực dụng, toan tính và nặng về phòng ngự của các đội tham dự VCK World Cup 2010.

9. Những kẻ “nổi loạn”

VCK World Cup 2010 đầy rẫy những bất ngờ. Sự bất ngờ đó đến từ sự nổi dậy của những đội bóng “thấp cổ bé họng”.

Không ai có thể tưởng tượng nổi một New Zealand bị coi là yếu nhất giải lại không để thua trận nào ở vòng bảng (dù vẫn bị loại). Chính họ chứ không phải “đại gia” nào đã cầm chân ĐKVĐ thế giới Italia 1-1 trong thế dẫn trước, qua đó trực tiếp khiến Azzurri phải xách vali về nước sớm. Cùng chung cảnh về nước ngay sau vòng bảng như New Zealand, nhưng Slovenia cũng gây ngạc nhiên không kém khi đánh bại Algeria và tiếp đó cầm chân đối thủ Mỹ với tỉ số 2-2.

Nhưng ngưỡng mộ nhất phải nói đến ĐT Ghana. Họ là đại diện của Nam Phi tiến sâu nhất ở World Cup này, đến tận vòng tứ kết. Thậm chí, nếu không có pha chơi bóng bằng tay tệ hại của tiền đạo Suarez bên phía Uruguay ở những phút bù giờ cuối cùng của hiệp phụ, Ghana đã có bàn thắng để đi tiếp vào bán kết.

10. Sự tụt lùi về mặt chiến thuật

Đây là giải đấu thất bại thảm hại về mặt chiến thuật, và sẽ không quá nếu nói đó là một giai đoạn đánh dấu sự tụt lùi của bóng đá thế giới. Không có bất kỳ sự mới lạ nào về cách chơi bóng từ các đội đến Nam Phi tham dự giải.

Không chỉ các đội bóng được xem là “chiếu dưới”, ngay cả những tên tuổi lừng danh của bóng đá thế giới, điển hình là ĐT Hà Lan (và có thể là Tây Ban Nha) đều chọn cho mình sơ đồ 4-2-3-1, với lối đá đề cao sự an toàn. Cách thi đấu này từng khiến rất nhiều người yêu bóng đá đẹp bức xúc, thậm chí coi đó là sự hèn nhát.

Sự toan tính, thực dụng của các đội bóng theo cách bố trí đội hình 4-2-3-1 là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng khan hiếm bàn thắng. Nó khiến cho những ngôi sao tấn công như Messi, Rooney, Ribery hay Ronaldo… không có quá nhiều đất để thi thố tài năng, khiến họ gần như bị “chìm” hẳn ở Nam Phi.

(Theo baobongda.com.vn)


0 nhận xét:

SaneBull World Market Watch

World business news - CNNMoney.com