Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Sân bay 'ma' tại Hàn Quốc

Phi trường quốc tế Yangyang xây hoành tráng mới 7 năm trước ở phía đông Hàn Quốc, nhưng đang phải vật lộn tìm lý do tồn tại. Bạn không thấy bất cứ chuyến bay trì hoãn hay dòng người rồng rắn nơi đây, vì đơn giản không có hành khách nào ở sân bay rộng lớn này.

Sân bay Yangyang xây hết 400 triệu USD mỗi ngày phục vụ 26 hành khách. Ảnh: BBC.

Sân bay Yangyang có chi phí đầu tư xây dựng gần 400 triệu USD, được thiết kế để đón tiếp tới 3 triệu lượt hành khách mỗi năm bằng những sảnh đến và đi hiện đại, bóng loáng. Nhưng trong năm ngoái mỗi ngày trung bình chỉ có 26 hành khách qua lại phi trường này, trong khi số nhân viên sân bay phục vụ họ là 146 người.

Chuyến bay thương mại gần đây nhất cất cánh từ sân bay Yangyang được thực hiện từ đầu tháng 11 năm ngoái. Cảnh tượng hoang vắng với những hàng ghế sạch sẽ nhưng thiếu bóng người khiến báo chí Hàn Quốc gọi đây là "sân bay ma", một điển hình ấn tượng cho việc đánh giá quá lớn nhu cầu thực tế. 

Tuy nhiên Yangyang vẫn không phải là ví dụ duy nhất về các sân bay "vắng như chùa Bà Đanh" tại Hàn Quốc. Nếu có giải thưởng cho các sân bay quốc tế yên tĩnh nhất thế giới, chắc chắn sẽ có phi trường ở quốc gia Đông Á này góp mặt. Xa hơn về phía tây nam Hàn Quốc có một sân bay quốc tế khác còn mới hơn nhưng chịu chung cảnh ngộ là Muan.

Sân bay quốc tế Muan mới khai trương chưa đầy hai năm trước và dù có một vài chuyến bay cất hạ cánh, phi trường này vẫn đang đứng bên bờ vực đóng cửa. Mọc lên giữa những cánh đồng trồng hành, phi trường này không có dấu hiệu gì cho thấy là một trạm hàng không thịnh vượng. Cảnh tượng bên trong cũng yên bình không kém các ruộng hành, với những quầy làm thủ tục trống trơn. Năm ngoái số hành khách qua sân bay Muan đạt chưa đầy 3% so với công suất thiết kế.

Mạng lưới sân bay dày đặc tại Hàn Quốc. Những sân bay có biểu tượng sáng là làm ăn có lãi, biểu tượng tối là thua lỗ. Ảnh: BBC.

Cũng như nhiều nơi khác, các dự án xây sân bay được coi là động lực để thúc đẩy nền kinh tế địa phương, thu hút du khách và kết nối địa phương với nền kinh tế rộng lớn bên ngoài. Nhưng các nông dân và ngư dân sống gần các sân bay "ma" nói trên có thể đang đặt câu hỏi liệu đây có phải là sự đầu tư đáng đồng tiền bát gạo hay không.

Hàn Quốc có tổng cộng 14 sân bay và số liệu thống kê năm ngoái cho thấy 11 phi trường trong số này làm ăn thua lỗ. Trong bối cảnh đó, điều tất yếu đối với sân bay thứ 15 đang được xây mới ở bờ biển phía đông Hàn Quốc là phải đình chỉ thi công dù đã hoàn tất 80%. Hiện còn có cuộc tranh cãi về tính sáng suốt đối với kế hoạch xây thêm một sân bay nữa, có thể nằm gần thành phố cảng miền nam Busan. 

Một trong những lý do khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong nội địa Hàn Quốc thấp là sự phát triển của hệ thống đường sắt cao tốc, cho phép hành khách có thể đi từ đầu đến cuối nước này mất chưa đến 3 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó là mạng lưới đường cao tốc mới thuận tiện được xây dựng.

Theo một tờ báo Hàn Quốc, các sân bay địa phương được xây ở nước này "là vì lý do chính trị hơn là logic kinh tế thị trường". Mạng lưới hành động của Công dân Hàn Quốc, một tổ chức chuyên giám sát chi tiêu của chính phủ thì cho rằng, hàng trăm triệu USD đã bị đầu tư hoang phí vào các đường băng và nhà ga sân bay, vì đơn giản chúng không hề cần thiết.

Phát ngôn viên của tổ chức trên là Choi In-wook đánh giá: "Để thu hút phiếu bầu, các chính trị gia cam kết với các khu vực bầu cử của họ về việc xây dựng một sân bay. Nhưng thay vì tính đến nhu cầu một cách cẩn thận, các nghiên cứu khả thi lại có thể bị bóp méo để hậu thuẫn cho các dự án xây sân bay. Hậu quả là có sự bội thực về số lượng sân bay ở đất nước này".

(Theo VnExpress)

0 nhận xét:

SaneBull World Market Watch

World business news - CNNMoney.com