Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Trung tâm tài chính TPHCM: Mong muốn và hiện thực

(TBKTSG) - TPHCM đã, đang và sẽ làm gì để trở thành một trung tâm tài chính quốc gia?

Hình dáng ban đầu đã có

Có nhiều phương pháp để nhận dạng một thành phố nào đó với tư cách là một trung tâm tài chính, như xem xét số lượng và chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực tài chính; tổng tài sản của các định chế tài chính; tổng phương tiện thanh toán qua ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán; khối lượng của các giao dịch thông tin (qua hệ thống thư từ hoặc giao dịch viễn thông...); sự hiện diện của các ngân hàng quốc tế hàng đầu và các công ty đa quốc gia lớn. Thường thì các nhà kinh tế sẽ xây dựng một chỉ số đặc thù để xem xét mức độ phát triển của một trung tâm tài chính. Chỉ số này gọi là chỉ số FINDEX (Chỉ số trung tâm tài chính - Financial Center Index).

Mặc dù chưa có những nghiên cứu định lượng chính thống nhưng dựa trên một số chỉ tiêu như mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán; số lượng các định chế tài chính quốc tế; chi nhánh của các công ty đa quốc gia; tổng phương tiện thanh toán qua ngân hàng và thị trường chứng khoán đang có xu hướng ngày càng phát triển, xem như TPHCM đã có hình dáng ban đầu để sau đó tiếp tục phát triển trở thành trung tâm tài chính quốc gia.

Vị thế địa - kinh tế - chính trị và vấn đề bất cân xứng thông tin

Vị thế địa - kinh tế - chính trị cũng là một yếu tố quan trọng không kém để trở thành một trung tâm tài chính. Ngoài vị thế địa lý thuận lợi, trung tâm tài chính phải là nơi dễ dàng tiếp nhận và xử lý thật nhanh thông tin. Thông tin như là một đầu vào quan trọng để từ đó các định chế tài chính sản xuất chúng thành sản phẩm và dịch vụ của riêng mình.

Mặc dù sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin ngày nay đã xóa bỏ đáng kể ngăn cách về mặt địa lý, nhưng vị thế địa - kinh tế - chính trị vẫn có vai trò quan trọng để xem xét thành phố nào đó có trở thành trung tâm tài chính hàng đầu.

Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, một quốc gia nào mà bất cân xứng thông tin luôn trở thành vấn đề thì trung tâm tài chính cũng có xu hướng tiếp cận với những thành phố văn hóa và đầu não quốc gia. Vì như thế, các định chế tài chính quốc tế và các công ty đa quốc gia mới có điều kiện thuận lợi tiếp cận nhanh chóng các thông tin chính thức và không chính thống với chi phí thấp (ở Việt Nam ta thông tin không chính thống luôn có sẵn ở các “vỉa hè”). Như vậy, nếu xét về vị thế địa - kinh tế - chính trị và vấn đề bất cân xứng thông tin thì TPHCM (và Hà Nội) đã “may mắn” hội đủ yếu tố thiên thời địa lợi ban đầu để trở thành trung tâm tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, nếu loại bỏ những yếu tố khách quan từ vị thế địa - kinh tế - chính trị thuận lợi thì TPHCM đã, đang và sẽ làm gì để trở thành một trung tâm tài chính quốc gia?

Nhìn quanh các nước trong khu vực, để trở thành trung tâm tài chính, không những đòi hỏi chính quyền thành phố phải có tham vọng táo bạo mà còn phải có sự ủng hộ của chính quyền trung ương.

Còn thiếu nhiều tiêu chí để trở thành trung tâm tài chính quốc gia

Khi xem xét những chức năng của một trung tâm tài chính, người ta không thể gói gọn trong các giao dịch truyền thống mà quanh đi quẩn lại chỉ có nhận tiền gửi, cho vay, bảo hiểm, mà thêm vào đó phải là các giao dịch chứng khoán và các công cụ phái sinh ngày càng phát triển và năng động.

Hiệp hội Công nghiệp chứng khoán Mỹ (SIA) mới đây đã công bố một nghiên cứu cho thấy những nhân tố chủ yếu để một địa phương hoặc thành phố trở thành trung tâm tài chính có tiếng tăm và ổn định lâu dài. Nhóm những nhân tố này bao gồm: (1) Hệ thống kinh tế-chính trị ổn định; (2) Một hệ thống thuế công bằng, minh bạch, hiệu quả, và có cơ sở; (3) Lao động có kỹ năng cao và thị trường lao động linh hoạt; (4) Cơ sở hạ tầng chất lượng cao.Bộ nhân tố được liệt kê đầy đủ của một trung tâm tài chính là:

• Thị trường tài chính thông thoáng và công bằng;

• Dòng vốn di chuyển tự do và một đồng tiền chuyển đổi được;

• Lao động có kỹ năng cao và thị trường lao động linh hoạt;

• Ứng dụng những chuẩn mực quốc tế và tốt nhất;

• Ngôn ngữ giao tiếp toàn cầu (tất nhiên là tiếng Anh);

• Một bộ hệ thống luật lệ có hiệu lực về mặt pháp lý, công bằng, minh bạch và hiệu quả;

• Hệ thống thuế công bằng và có cơ sở;

• Chi phí kinh doanh thấp;

• Hệ thống hạ tầng có chất lượng cao;

Bây giờ ta thử điểm qua một vài tiêu chuẩn này cho ứng viên TPHCM. Thị trường tài chính thông thoáng và công bằng được hiểu như là những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng như những nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải cạnh tranh công bằng với nhau. Và điều này thì thành phố không thể tác động được vì nó liên quan đến chính sách vĩ mô trong lộ trình mở cửa thị trường tài chính.

- Dòng vốn di chuyển tự do và một đồng tiền chuyển đổi được là nhân tố mà phải còn rất lâu nữa Việt Nam mới có thể thỏa mãn.

- Một trung tâm tài chính với những chuẩn mực quốc tế và tốt nhất phải được hiểu như là bộ quy tắc ứng xử minh chứng cho sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền trong việc thúc đẩy quá trình hợp tác tài chính toàn cầu và ổn định để làm tăng tính hiệu quả của thị trường và làm giảm thiểu rủi ro hệ thống. Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thể dựa vào những cam kết này như là những chuẩn mực để phán xét tính hiệu quả của thị trường tài chính, vấn đề công bố thông tin và minh bạch thông tin cũng như quyết tâm của chính quyền, thích nói hay thích làm.

Các yếu tố khác còn lại trong bộ các tiêu chí kể trên lại càng chưa cho thấy nhiều triển vọng.

Chính vì vậy, để mong muốn xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc gia thành hiện thực, có lẽ thành phố chỉ nên hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để các yếu tố tiềm năng này biến thành nguồn lực thật sự, hơn là chú tâm đạt cho bằng được một số chỉ tiêu tăng trưởng nào đó. Điều này mới chính là thể hiện tầm của thành phố và cũng là điều có khả năng biến thành hiện thực nhất.

(Theo SaigonTimes Online)

0 nhận xét:

SaneBull World Market Watch

World business news - CNNMoney.com