Sau những gì đã xảy ra tại lễ hội hoa anh đào năm 2008, phố hoa mừng năm mới 2009 tại Hà Nội, mọi người hy vọng rằng phố hoa mừng năm mới 2010 sẽ không còn phải nhìn thấy cảnh giẫm đạp lên hoa, vặt hoa, tự tiên di chuyển chậu hoa để chụp hình...
Nhưng thật thất vọng, sau lễ khai mạc phố hoa, những hình ảnh thiếu ý thức văn hoá lại lặp lại. Nhìn những dòng chữ "Tuổi trẻ thủ đô hướng về lệ hội phố hoa bằng hành vi có văn hóa" và nghe những tiếng tuýt còi "nhắc nhở" bên cạnh vẻ đẹp nhiều màu sắc của các loài hoa mà thêm buồn vì vẻ đẹp của hoa và vẻ đẹp từ trong ý thức của người thưởng hoa vẫn chưa tương đồng với nhau: hoa đã biết làm đẹp cho người mà người thì giẫm đạp lên hoa.
Chưa phổ biến văn hóa trả ơn
Ngày xưa, ông cha ta khi xưa mỗi khi khai thác một chút lợi nào đó từ thiên nhiên đều không quên cảm tạ các vị thần sông, thần núi, thần rừng, thần biển, thần cây... Không những thế, mỗi khi bưng bát cơm, tổ tiên nhiều đời của người Việt vẫn nhắc nhở con cháu biết tưởng nhớ đến người đổ mồ hôi, nước mắt để làm ra hạt gạo. Vậy mà giờ đây, có những người vội nghĩ: mình bỏ tiền ra mua thì chẳng phải mang ơn ai cả.
Niềm tin giữa người và người ngày càng giảm đi thấy rõ cùng với việc gia tăng các cảnh báo về ý thức ứng xử. Ảnh: VNN
Đó là cái nhìn không làm cho con người trưởng thành hơn trong ứng xử. Chúng ta có tự hỏi xem mình đã biết thầm cảm ơn những người đã bỏ công sức, ý tưởng, vật chất, tấm lòng để làm nên lễ hội phố hoa hay không? Khi tiếp cận vẻ đẹp của các loài hoa, chúng ta học được bài học gì từ thiên nhiên để khám phá thêm những điều chân - thiện - mỹ chung quanh mình?
Người Nhật có trà đạo, hoa đạo, kiếm đạo, vì họ đã đẩy những giá trị đó trở thành triết lý sống thường nhật. Triết lý đó hướng dẫn hành vi ứng xử của dân tộc họ trải qua nhiều thế hệ, làm cho văn hoá của họ có chiều sâu của sự tinh tế. Chúng ta đã học được những gì từ họ?
Cần phải nói rằng, trước một lễ hội phố hoa nặng về đối phó với lực lượng bảo vệ đông như vậy, chúng ta đang chỉ ra những khoảng trống trong văn hoá ứng xử. Người ta có thể ngang nhiên giẫm đạp, vùi dập lên những thứ đang làm đẹp, làm vui cho giác quan của mình, thì làm sao môi trường sống của chúng ta lại không ô nhiễm và bị tàn phá một cách không thương tiếc được.
Cần cái tâm biết hổ thẹn
Trong ngày lễ hội, nhìn những dòng chữ "Tuổi trẻ thủ đô hướng về lệ hội phố hoa bằng hành vi có văn hóa" và nghe những tiếng tuýt còi liên hoàn "nhắc nhở", lại thấy chúng ta còn thiếu cả cái tâm biết hổ thẹn.
Cần phải nói rằng, ngay chính người đàng hoàng cũng phải cảm thấy đỏ mặt khi tham dự lễ hội mà phải nhìn những dòng chữ và những tiếng tuýt còi "nhắc nhở" như vậy. Tại sao người dân phải đi thưởng hoa bằng những biểu ngữ kêu gọi hành vi văn hóa, bằng hàng rào và những tiếng tuýt còi "nhắc nhở" như thế?
Khi con người đánh mất lòng hổ thẹn thì họ muốn làm gì thì làm, họ không cần phải nghĩ nhiều đến những người chung quanh. Một lối sống không nhìn ra sự hài hòa giữa mình và kẻ khác, giữa mình mà môi trường sống, giữa mình và cái đẹp, cái thiện thì tương lai dân tộc sẽ ra sao khi giao phó vào tay họ?
Văn hoá là nguồn gốc và động lực của phát triển, nhưng chúng ta đang bước vào tương lai bằng chính những khuyết điểm chưa thể lấp đầy trong văn hoá ứng xử. Không phải xã hội không cần đến những biển cấm hay những tiếng huýt còi, nhưng sự tiến bộ trong ứng xử của người dân chính là ý thức tự giác, đến lúc nào đó những ứng xử trở nên thuần thiện và tự nhiên hơn.
Khi con trâu chưa thuần, chuyên phá lúa mạ của người khác, thì rất nên dùng đến sợi dây thừng xỏ mũi và cái roi để quất vào mông. Nhưng khi con trâu đã thuần rồi thì không cần lúc nào cũng phải xỏ dây thừng vào mũi và nhăm nhe quất nữa.
Người ứng xử có văn hoá sẽ cảm thấy khó chịu khi đi bất cứ đâu cũng gặp phải những biển cảnh báo, những tiếng tuýt còi. Nhưng điều đáng nói hơn cả, niềm tin giữa người và người ngày càng giảm đi thấy rõ cùng với việc gia tăng các biển cảnh báo về ý thức ứng xử.
Bồn hoa đã bị ngắt trụi. Ảnh: VNN
Nâng cấp văn hoá
Trong khi chúng ta vẫn chưa thể nâng cấp trình độ thưởng hoa của mình, chứ chưa nói đến việc hình thành một cung cách ứng xử có đạo đối với hoa, từ đó tìm cho dân tộc mình một loài hoa để tôn xưng làm quốc hoa.
Một số nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra rằng, chúng ta chưa chuẩn bị gì nhiều để nâng cấp trình độ ứng xử văn hoá cho những ngày lễ lớn, mà mới chỉ chăm lo cho những công trình lớn, những cuộc lễ lớn bằng những hình thức bề nổi. Đó chính là xây nhà từ nóc.
Linh hồn của những cuộc lễ lớn chính là phong cách, lối sống ứng xử của người dân, thế nhưng đáng tiếc nó không được đưa vào "trọng điểm" cần phải "xây dựng" từ hàng chục năm về trước.
Vì vậy, những gì đã và đang tiếp tục diễn ra trong các lễ hội là phép thử chính xác cho những mục đích dài hạn cần phải xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh, có chuẩn và tinh tế cho cộng đồng ngay từ bây giờ khi chưa quá muộn.
(Theo TuanVietnam.net)