Ở mức tỷ giá 18.000 VND/USD, tổng nợ nước ngoài tính ra VND là 396.000 tỉ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách dự kiến năm 2009 (390.000 tỉ đồng).
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam đến cuối năm 2008 xấp xỉ 22 tỉ USD, bằng 29,8% GDP. Trong đó, Chính phủ nợ trực tiếp 19 tỉ và bảo lãnh 3 tỉ USD.
Ở mức tỷ giá 18.000 VND/USD, tổng nợ nước ngoài tính ra VND là 396.000 tỉ đồng, cao hơn tổng thu ngân sách dự kiến năm 2009 (390.000 tỉ đồng). Nếu tỷ giá tăng lên 20.000 đồng thì con số sẽ là 440.000 tỉ, tăng 44.000 tỉ, bằng 11% số dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2009.
Đây là một con số khá lớn và cũng chính là cái cớ mà nhiều người dùng để biện hộ cho lập luận đồng tiền mất giá sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ quốc gia. Thực sự có phải như vậy? Câu trả lời là không.
Chúng ta biết rằng, nợ nước ngoài bằng ngoại tệ thì Việt Nam phải trả bằng ngoại tệ. Khả năng trả nợ phụ thuộc vào việc Việt Nam có kiếm đủ ngoại tệ để trả các khoản nợ đến hạn hay không chứ việc tính toán bằng tiền đồng dường như không có ý nghĩa trên bình diện quốc gia.
Hiểu một cách đơn giản, nếu mình vay của hàng xóm 20 cân gạo thì mình phải làm sao có được 20 cân gạo để trả chứ không phải là việc tính toán quy đổi 20 cân gạo bằng thước đo mà mình hoàn toàn có thể điều chỉnh. Cách nào có thể kiếm được 20 cân gạo dễ dàng hơn là điều cần quan tâm hơn cả.
Khả năng trả nợ của một quốc gia có thể xem xét thông qua khả năng tích lũy ngoại tệ trong dài hạn theo công thức: NGOẠI TỆ TÍCH LŨY = DÒNG TIỀN CHẢY VÀO – DÒNG TIỀN CHẢY RA
Dòng tiền chảy vào bao gồm phần thuộc sở hữu hoàn toàn của quốc gia và phần đi vay.
Phần thuộc sở hữu hoàn toàn của quốc gia gồm: (1) Thu từ xuất khẩu hàng hóa dịch vụ (nguồn thu lớn nhất của Việt Nam); (2) Thu nhập do người lao động đi làm việc ở nước ngoài chuyển về và thu từ các khoản cho nước ngoài vay hay đầu tư ra nước ngoài; và (3) Phần bên ngoài cho chúng ta như viện trợ không hoàn lại hay kiều hối (trừ phần được gửi về để nhờ đầu tư sẽ như khoản vay).
Đây là nguồn thu mà Việt Nam có toàn quyền sử dụng. Phần đi vay hay coi như đi vay gồm: (1) Vốn vay (thông thường và ưu đãi) từ nước ngoài; và (2) Vốn đầu tư trực tiếp hay gián tiếp từ bên ngoài. Đây là các khoản vay Việt Nam phải trả cả vốn lẫn lời trong tương lai.
Tương tự, dòng tiền chảy ra cũng có phần phải trả cho bên ngoài và phần cho bên ngoài vay.
Phần trả cho bên ngoài gồm: (1) Chi cho nhập khẩu hàng hóa dịch vụ (nguồn chi lớn nhất); (2) Thu nhập do người nước ngoài làm việc ở Việt Nam chuyển về nước họ và phần nợ phải trả cho bên ngoài; và (3) Phần chúng ta cho bên ngoài tương tự như trên. Nguồn chi này quốc gia sẽ hoàn toàn mất đi.
Phần cho bên ngoài vay tương tự như phần đi vay hay coi như đi vay nhưng ở chiều ngược lại và đây là các khoản đầu tư mà chúng ta sẽ thu được vốn gốc và lãi.
Để tăng khả năng trả nợ hay tích lũy của quốc gia, các chính sách phải nhắm đến việc gia tăng dòng tiền chảy vào, nhất là dòng tiền thuộc sở hữu hoàn toàn của quốc gia và giảm bớt dòng tiền chảy ra, nhất là chi cho nhập khẩu hàng hóa dịch vụ.
Khi tiền đồng giảm giá sẽ có lợi cho xuất khẩu và sản xuất trong nước, đồng thời gây bất lợi cho nhập khẩu. Điều này có nghĩa là dòng tiền chảy vào sẽ gia tăng do sự gia tăng của xuất khẩu và dòng vốn đầu tư từ bên ngoài khi lợi suất đầu tư trong nước gia tăng. Ngược lại, dòng tiền chảy ra sẽ giảm do sự sụt giảm của nhập khẩu và dòng tiền đầu tư ra bên ngoài thấp.
Một vấn đề khác cần làm rõ là đối với Chính phủ, nếu tỷ giá tăng thêm 2.000 đồng thì với khoản nợ nước ngoài hàng năm phải trả khoảng 1 tỉ USD hiện nay khi tính ra tiền đồng sẽ tăng chỉ khoảng 2.000 tỉ đồng, nhưng phần tăng thêm cho ngân sách của khoản thu từ gần 4 tỉ USD dầu thô sẽ tăng khoảng 8.000 tỉ đồng. Mất 2 được 8 sẽ tốt hơn chứ không thể tệ hơn được.
Tóm lại, điều chỉnh đồng tiền trong nước theo hướng đó sẽ có lợi cho xuất khẩu cũng như sản xuất trong nước và khuyến khích đầu tư nước ngoài vào những ngành phát huy lợi thế cạnh tranh của quốc gia, sẽ làm cho kinh tế tăng trưởng tốt hơn và gia tăng khả năng trả nợ của Việt Nam chứ không làm gia tăng gánh nặng nợ nần.
(Theo Huỳnh Thế Du - TBKTSG)
Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009
Tỷ giá VND/USD và nợ nước ngoài
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét