Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Trung tâm tài chính TPHCM: Không thể cứ mãi là kế hoạch

(TBKTSG) - Suốt 10 năm qua, đã có rất nhiều cuộc hội thảo xoay quanh vấn đề làm thế nào để TPHCM trở thành một trung tâm tài chính của cả nước và tiến dần đến của khu vực. Tuy nhiên đến nay, trung tâm tài chính TPHCM vẫn chỉ là mong muốn.

Theo các chuyên gia tài chính trong một cuộc hội thảo cách đây một năm về vấn đề này, một thành phố với tư cách là một trung tâm tài chính cần mang lại lợi ích như giá trị mới tạo ra tăng nhanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, cần ít chi phí đầu tư về tài sản cố định, không gây ô nhiễm, gia tăng nguồn thu cho Nhà nước từ việc đánh thuế các giao dịch tài chính, có hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả. Xét những yếu tố trên, TPHCM có thể thực hiện được những yêu cầu trên.

Tuy nhiên, xét về môi trường đầu tư kinh doanh, TPHCM vẫn còn thiếu và yếu trong việc cạnh tranh để thu hút các định chế tài chính nước ngoài đến đặt trụ sở hoạt động. Cụ thể, đó là thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, môi trường pháp lý, tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, và sự sẵn có về hạ tầng kinh doanh. Để cải thiện những yếu tố trên cần khoảng thời gian dài và thành phố nên bắt đầu ngay từ hôm nay.

Nhưng quan trọng hơn hết để xây dựng một trung tâm tài chính tại TPHCM, theo nhiều chuyên gia, đó là thiếu một cơ chế, một khung pháp lý riêng giúp cho thành phố có thể tự quyết định những vấn đề riêng của mình. Các chuyên gia cho rằng Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển trung tâm tài chính TPHCM xét trên khía cạnh thiết lập cơ chế và chính sách. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần thiết lập cơ chế tăng cường trách nhiệm và quyền hạn cho chính quyền thành phố trong lĩnh vực quản lý tài chính trên địa bàn.

Ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết hiện nay không ai chối cãi TPHCM là trung tâm tài chính - kinh tế quan trọng của cả nước cũng như ngành tài chính - ngân hàng tại TPHCM giữ vị trí tiên phong và chiếm tỷ trọng lớn của toàn ngành trên cả nước.

Tuy nhiên, để TPHCM trở thành một trung tâm tài chính của cả nước và tiến tới của khu vực đòi hỏi sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương về chủ trương. Đồng thời cũng nên thống nhất quan điểm rằng Việt Nam cần có một trung tâm tài chính và được đặt tại TPHCM là nơi có đủ điều kiện chứ không phải TPHCM muốn trở thành một trung tâm tài chính.

Do vậy, thành phố cần có một cơ chế đặc thù để có thể tự đưa ra những chính sách ưu đãi về thuế, về thủ tục hành chính… nhằm thu hút sự tham gia của các định chế tài chính nước ngoài. Ông Ngân đưa ví dụ rằng việc cấp phép cho các tổ chức tài chính nước ngoài vào hoạt động tại TPHCM có thể chỉ cần chính quyền TPHCM cấp phép, không cần phải được sự chấp thuận của các bộ như hiện nay. Việc này được xem như là một hình thức khuyến khích sự tham gia của các tổ chức nước ngoài.

Tương tự ý kiến của ông Ngân, tổng giám đốc một ngân hàng lớn đặt câu hỏi rằng TPHCM hiện đưa ra các ưu đãi gì so với những trung tâm tài chính của khu vực để thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến đây, và liệu khi thiếu cơ chế riêng thì TPHCM có thể tự quyết định những ưu đãi cho các nhà đầu tư đó không hay có thể tự quyết định những vấn đề khác trong lĩnh vực tài chính không. Một ví dụ đơn giản, nếu là trung tâm tài chính thì hoạt động giao dịch ngoại hối phải đa dạng, phong phú trong khi hiện tại tất cả những công cụ giao dịch như forward, option… đều bị cấm hay hạn chế. Vậy làm sao có thể nói đến việc phát triển thành phố thành trung tâm tài chính đúng nghĩa. Không nói quá xa, chỉ riêng mục tiêu thiết thực trước mắt cần thực hiện nhưng cũng không dễ, đó là làm sao để khuyến khích tất cả các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng - yếu tố sơ khởi khi nói đến một trung tâm tài chính.

Vị này cũng cho rằng mong muốn biến TPHCM trở thành một trung tâm tài chính nên thực chất hơn, tức là nên được cụ thể hóa bằng hành động, càng sớm càng tốt, chứ không nên cứ mãi là kế hoạch.

(Theo SaigonTimes Online)

0 nhận xét:

SaneBull World Market Watch

World business news - CNNMoney.com