Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2010

Ẩm thực Sài Gòn

Một trong những dấu ấn còn lưu lại đậm nét trong lòng du khách đến thăm thành phố Hồ Chí Minh là những món ăn ngon. Nền ẩm thực Việt Nam nói chung và riêng Sài Gòn là nền văn hóa ẩm thực phương Đông, mang đặc thù của nền văn hóa lúa nước nên món ăn thức uống được pha chế theo một phương thức rất riêng, hương vị màu sắc độc đáo hiếm nơi nào có được.

Là trung tâm của vùng đất phương Nam, dân cư ba miền hội đủ, từ lâu là nơi giao tiếp quan trọng với thế giới nên Sài Gòn là trung tâm kinh tế, văn hóa và cũng là nơi có nền ẩm thực phong phú đa dạng nhất, đáp ứng mọi nhu cầu cho thực khách trong nước, ngoài nước. Có thể nói, ẩm thực Sài Gòn có thể đáp ứng cho người ăn ở bất cứ nơi đâu, bất cứ món gì. Dân Sài Gòn xưa nay lao động cật lực mà ăn chơi cũng “thả giàn”. Ngày nay, mức sống của người dân đã được nâng lên, việc mua sắm, ăn uống cũng được quan tâm tối đa. Lễ lộc, tết nhất, đám cưới, sinh nhật… ăn uống linh đình đã đành, ngày thường bạn bè gặp nhau cũng thường kéo vào quán ăn, vừa nhâm nhi vừa hàn huyên tâm sự. Cha mẹ ở dưới quê lên, con cái dẫn vào nhà hàng, kêu mấy món “độc” để cha mẹ ăn “cho biết” với người ta; họ hàng ở nước ngoài về, em cháu mời tới nhà hàng sang trọng chiêu đãi để khoe những món ngon của xứ sở quê mình. 

Chuyện ăn uống là nhu cầu của nhân loại nhưng nó biểu hiện sự văn minh, trình độ văn hóa và sự hiểu biết sâu rộng về sức khỏe của một con người, một gia đình và một dân tộc. Người Việt Nam có cách ăn của người châu Á, ăn nhỏ nhẻ, uống từ tốn, ngồi có nơi có chốn, biết nhường trên, nhịn dưới. Người Việt Nam, mà nói riêng người Sài Gòn, từ cách nấu nướng cho đến cách ăn cũng “điệu nghệ” không thua kém một nước nào trên thế giới. Món ăn hầu hết được nấu theo phương thức mà người nước ngoài rất thích là ít dầu mỡ, nhiều dinh dưỡng, quân bình tính âm dương, màu sắc bắt mắt và mùi vị thì tuyệt vời. Món ăn có thể được nấu theo kiểu nguyên bản mà cũng có thể chế biến theo kiểu kết hợp Âu Việt, hòa đồng giữa Bắc Trung Nam cho hợp với khẩu vị của người Sài Gòn, hương vị thơm thơm ngòn ngọt, dùng nhiều rau và luôn tươi sống. Chẳng hạn món thịt bò bít tết của Tây thì ở ta miếng thịt được xắt mỏng hơn, nấu chín hơn, nhiều gia vị và ăn kèm với nhiều rau hơn. Món bún bò Huế của Huế thì độ cay nhẹ hơn, nước dùng béo và kèm nhiều rau hơn; món phở của miền Bắc thì nhiều thịt, vị ngọt và nhiều rau giá hơn.


Không thể kể hết những món ngon và hệ thống nhà hàng, quán ăn có mặt tại Sài Gòn. Chỉ cần một chiếc lò than và một ít dụng cụ nấu nướng là người nấu có thể nấu hoặc nướng những món ăn vừa nóng vừa ngon miệng bán cho dân lao động ngồi tạm bợ bên vỉa hè như cháo lòng, bún riêu, bắp khoai, mực nướng… hay những chiếc bánh xèo bình dân nóng hổi vàng ruộm. Muốn ăn bánh xèo “hàng hiệu” thì đến Đinh Công Tráng hoặc “bánh xèo Bà Mười Xiềm”. Buổi sáng, bạn là học sinh, sinh viên muốn gọn nhẹ, kinh tế thì “gặm” ổ bánh mì thịt nóng giòn cũng đủ no bụng, hay muốn ăn dĩa bánh cuốn nóng hôi hổi, miếng chả trắng thơm thì đến đường Cao Thắng hoặc bất cứ quầy bánh cuốn nào ở vỉa hè. Muốn ăn cơm tấm ngon thì đến Thuận Kiều là thương hiệu nổi tiếng với gần mười chi nhánh rải rác từ Chợ Lớn, Sài Gòn đến Bình Thạnh. Hủ tiếu, phở là “món ruột” của dân thành phố thì nơi nào mà không có…

Buổi trưa, nếu không có thời gian, bạn có thể tạt vào các quán ăn bình dân hoặc các nhà hàng máy lạnh ăn “cơm trưa văn phòng” với giá cả hợp túi tiền của giới công nhân viên. Ai thích trở về với “hương đồng cỏ nội” thì tìm quán cơm niêu với những món chuột đồng rô ti, châu chấu chiên giòn, lươn hấp bầu, ếch xào lăn, cá bống dừa kho tiêu, canh chua cá rô bông điên điển… Dân “nhậu” muốn lai rai bên nồi lẩu thì có nhiều món hấp dẫn dành cho người “sành ăn”: lẩu Thái, lẩu chua cá ngát, lẩu hải sản, lẩu dê, lẩu bò, lẩu mắm, lẩu nấm… Lẩu là món ăn được người ăn ưa thích nhất, những buổi tiệc đông người luôn có lẩu, lẩu hiện diện “trên từng cây số”.

Buổi tối, ẩm thực Sài Gòn mới thật sự lên ngôi. Những quán chè, kem, sinh tố, cà phê… lên đèn nhấp nháy vẫy gọi, mời mọc giới trẻ. Người có tuổi muốn bồi dưỡng sức khỏe thì đến tiệm ăn của người Hoa để ăn món gà ác và nhiều món khác hầm thuốc bắc, rồi uống trà sâm, ăn chè sen, chè trứng cút. Giới doanh nhân hay người có thu nhập cao thường mời nhau vào các nhà hàng sang trọng: Legend, Hyat, Majestic… để ăn, uống những món Tây chính hiệu hoặc món Việt cao cấp. Việt kiều sống ở nước ngoài lâu ngày, quanh năm suốt tháng đa phần ăn uống thức ăn nguội lạnh chứa sẵn trong hộp, về Việt Nam được ăn cá thịt tươi sống, rau quả, trái cây vừa chín tới mới thấy ẩm thực quê mình là hảo hạng nhất trần gian.

Khách nhàn du muốn ngắm sông về đêm thì bước lên những chiếc du thuyền ở bến Bạch Đằng để được thuyền đưa đi một đoạn sông Sài Gòn, vừa ngắm cảnh, nghe nhạc sống và vừa thưởng thức những món ăn, thức uống mình ưa thích. Khách đi đêm về khuya hoặc người lao động làm những nghề ban đêm, lúc đói lòng tạt qua chỗ chị bán xôi mặn, mua một gói xôi nóng hổi 5-10 ngàn đồng, hay ăn chén cháo trắng với cá cơm kho mặn là có thể no bụng đến sáng hôm sau.

Người ăn sành điệu Sài Gòn không chỉ chọn món ngon mà còn chọn phong cảnh nơi đến ăn và thái độ phục vụ của người bán, bởi vậy nghề ẩm thực được ví là nghề “làm dâu trăm họ”. “Làm dâu trăm họ” vất vả cực nhọc nhưng nhiều người đã làm giàu nhờ nghề này, âu đó cũng là sự đền bù xứng đáng cho những người “làm dâu” biết chiều chuộng khách hàng với những món ăn luôn mới lạ, ngon miệng.

Nếu có điều kiện, bạn nên đến Sài Gòn và nếm qua những món ngon vật lạ của “Thành phố ẩm thực” miền nhiệt đới đôi lần cho biết.

(Theo SGGP Online)

0 nhận xét:

SaneBull World Market Watch

World business news - CNNMoney.com