Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

Quần áo... tan biến trong nước

Những vỏ chai sữa tắm hoặc dầu gội đầu có thể biến thành lụa là, rồi sau đó lại tan chảy ra để trở thành nước tưới cây. 

Đây là một ý tưởng đã thành hiện thực của hai giáo sư Helen Storey của Đại học Thiết kế Thời Trang London và giáo sư Tony Ryan đến từ Đại học Sheffield. Hai giáo sư sáng tạo và yêu môi trường này đã cùng nhau tái chế nhựa plastic phế thải thành một loại plastic mới có độ mềm, mỏng, mịn không kém vải thường là mấy. Không chỉ vậy, loại plastic này có khả năng... tan trong nước, và nước này lại có thể đem đi... tưới cây !



Váy "tan chảy" biến nước thành màu xanh tuyệt đẹp

Để giới thiệu thành quả của mình, giáo sư Helen và Tony cùng mở một triển lãm thời trang, chủ yếu trưng bày những bộ váy dài tuyệt đẹp thường dùng trên sàn catwalk làm từ thứ nhựa plastic đặc biệt này. Chúng được treo trên cao, đuôi váy thả dài và có bồn nước miệng tròn giống những chiếc bể cá hứng phía dưới . Khi những chiếc váy bắt đầu... tan chảy, bồn nước phía dưới sẽ chuyển thành màu của váy áo, hết sức lung linh. Với triển lãm này, hai giáo sư muốn thể hiện phong cách thời trang hiện đại cũng như gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường và Trái Đất đang dần nóng lên .

Ai mà tin được chiếc váy sành điệu này làm từ... nhựa phế thải?

Đầu tiên là áo xống đầy đủ (hình1), gặp mưa liền thành.... Eva (hình 3)!

Phát minh này của hai giáo sư là một giải pháp tuyệt hảo trong việc tái chế nhựa phế thải. Một người đến chiêm ngưỡng triển lãm đã phát biểu: "Thật không thể tưởng tượng được rằng những vỏ chai sữa tắm hoặc dầu gội đầu có thể biến thành lụa là, rồi sau đó lại tan chảy ra để trở thành nước tưới cây. Hy vọng trong khoảng 20 năm nữa phát minh này sẽ trở nên phổ biến toàn cầu .Thế nhưng những trang phục này có lẽ chỉ dùng được vào ngày khô ráo. Thử tưởng tượng bạn ra đường với một chiếc váy tuyệt đẹp, bỗng một trận mưa bất chợt đổ xuống, và bạn sẽ trở về nhà với tình trạng "thiên nhiên". 

(Theo Kênh 14)

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2009

Trông ra mà ngẫm!

Sang đất bạn là bước vào một cửa khẩu to, có dấu ấn khác biệt về không gian kiến trúc, vóc dáng, đường dẫn, cổng chào và sự nghiêm cẩn của an ninh, của trật tự đường đi lối lại. Phía ta, ngoại trừ cây cột mốc chung ở cửa khẩu là mới, phía sau là căn nhà làm thủ tục xuất nhập cảnh cũ kĩ, chật chội. Những bốt kiểm soát có vẻ tạm bợ. Cửa khẩu là con đường bùn đất vương lầy lội, láo nháo người tìm nhau, xe đưa đón. Một nhà vệ sinh tin hỉn đầu hồi đã bị bịt, với dòng chữ phấn trắng nguệch ngoạc báo đang sửa chữa...

Tháng trước, nhân lúc rảnh việc bèn rủ mấy người bạn sang Quảng Tây chơi. Tiện thể thăm thú một vài cơ sở văn hoá ở Nam Ninh, Quế Lâm và xem một show diễn ngoài trời, được đồn là hoành tráng lắm: “Ấn tượng chị Tam Lưu”, của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, tại thị trấn du lịch Dương Sóc, cách cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn chừng hơn 700 cây số.


Sự phát triển đáng gờm của nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: mofahcm.gov.vn

Những lần đi công cán trước đây ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tô Châu, Nam Kinh, Thẩm Quyến, Quảng Châu… bằng đường không nên chỉ biết xứ người loanh quanh từ sân bay vào trong phố. Thực lòng là thấy gờm sự năng động và phát triển, cả những dự cảm tiềm ẩn của láng giềng to Trung Quốc. Chả thế mà ở New York, đi siêu thị nào cũng bày xúng xính áo quần, giày dép, đồ chơi “Made in China”, đủ biết ông bạn láng giềng muốn cả thế giới là siêu thị Tàu như thế nào. Mấy quốc gia bạn hàng gia công truyền thống cho Hoa Kì ở Nam Mỹ, Trung Á, châu Phi đã từng phen len lén ngậm ngùi vì cái thị phần ngon xơi bị tùng xẻo đến hồi ngắc ngoải. 

Lần này rủ nhau đi đường bộ, là cốt để được ngắm nhìn sông núi Quế Lâm được dân bản địa ví như Hạ Long trên cạn. Và ngắm nhìn là cái thú “trông trời trông đất trông mây...” của dân xứ ta, có lẽ vì thế mà ta sinh lắm thơ ngâm vịnh, tả cảnh. Ai trong đời, có một ít chữ cũng tí toáy đôi câu “sơn thủy hữu tình”, chẳng phải tư tưởng cao siêu làm gì cho nặng óc. Vả lại, qua cái tỉnh giáp biên, thuộc khu tự trị dân tộc Choang, nghĩa là tỉnh vùng sâu vùng xa, chỉ xếp thứ 11/18 tỉnh thành của Trung Quốc về phát triển, nên có dịp xem vùng sâu, vùng dân tộc của bạn nó rưa rứa ta không hay lạc hậu hơn, đặng để trông người mà ngẫm đến ta, mà thi đua tiến lên hội nhập quốc tế?

Mấy trăm cây số đường cao tốc tới thủ phủ Nam Ninh, tịnh không thấy bóng chiếc toyota đầu bằng (công nông), xe thô sơ nào; càng không thấy người láo nháo qua lại, tạt ngang tạt dọc. Thành thử, bỗng thấy đường vắng quá. Xem ra việc này không được tiện thể như ta nhỉ? Bà con nông dân chả biết làm ăn gì mà rơm rạ, lúa má, ngô khoai không thấy phơi ra như ở “cao tốc” Láng – Hòa Lạc và các quốc lộ khác. Lại thấy, nhân viên trạm vé toàn các chân dài duyên dáng, mặt mũi thanh tao, nụ cười nhã nhặn, đồng phục màu xanh da trời. 

Cậu gai-đơ (guider) quê ở Nam Ninh, đi Hà Nội như đi chợ hàng ngày cười bảo, các em nghề soát vé phải tinh tuyển. Ngoài hình thể ưa nhìn, khi gặp lái xe các cô gái phải tươi cười và câu cửa miệng là ní hảo (cảm ơn), thế thì người đi đường vừa thấy cái uy trật tự giao thông, cái văn hóa giao tiếp, lại không... buồn ngủ. Ai lại buồn ngủ vì những nụ cười duyên thế. 

Lạ nhỉ, sao mấy lần đi qua trạm vé đường Láng – Hòa Lạc, “bản thân” chỉ gặp mấy ông bà nhân viên ăn mặc lôm nhôm, khẩu trang, khăn khố bịt bùng như những Nin-da hiện đại Nhật Bổn mới nhập khẩu về. Và đặc biệt, họ rất “nhanh tay lên nào chị em ta ơi” chộp luôn cả cuống vé của khách, đến nỗi xước cả tay chú xế. Giá có một nhời, giả vờ văn minh thôi cũng được, rằng xin vé để quay vòng, thông cảm thời buổi “thóc cao gạo kém” thì ai nỡ không cho? Ấy là chưa kể, chỉ một đoạn đường, mỗi trạm lại một giá, chỉ tổ gây ức chế cho “cán bộ đường lối”, ôtô nó mới hay húc gốc cây, leo dải ngăn cách... làm nên láo nháo giao thông, bản sắc Việt là vậy. Tây sang ta thì cứ gọi là lắc đầu lè lưỡi, nín thít, khỏi bình luận luôn.

Ngạc nhiên, dĩ nhiên rồi, nó đã phá tan tưởng tượng ban đầu của tôi về một vùng sâu của người Choang. Nam Ninh hiện đại với những cao ốc, công viên, cầu vượt… Trung tâm hội chợ, triển lãm Quốc tế Trung Quốc - Asean hoành tráng, sừng sững trên đồi cao mà có lẽ Trung tâm hội nghị Quốc gia ở Hà Nội chỉ bằng một góc. Nam Ninh là thành phố xanh, bình quân trên 9 mét vuông cây xanh một người (Hà Nội khoảng 1,3 mét vuông). Thành phố này đã qua nhiều năm rồi, thời xe máy còn lộn xộn chèn nhau trên phố. 

Và Quế Lâm, thành phố “nhị sông tứ hồ” lung linh, huyền ảo. Những con thuyền du khách vãn cảnh đêm, những quần thể kiến trúc mờ tỏ trong ánh đèn laze, đèn vàng dẫn ta trôi vào tiên cảnh. Một phố Tây ở thị trấn Dương Sóc sầm uất với quán ba, phòng nhảy, tiệm hàng và chợ đêm náo nhiệt. Thế giới của mua sắm. Các ông Tây bà đầm, khách châu Á, khách nội quốc dập dìu, chen vai mua sắm, vãn cảnh, ăn nhậu, và nhạc và nhảy. Các cô gái mặc váy ngắn, quần soóc bò, hấp háy rốn đứng nhún nhẩy theo nhạc trước các bar mời khách. Bài này thì từ ta sang Mỹ, từ Âu sang Á đều giống nhau. Đây là thời của teen, của quần trễ cạp và hiphop toàn thế giới.

Cách đó không xa, sân khấu hồ nước ngoài trời rất đặc sắc, một đêm hai buổi trình diễn “Ấn tượng chị Tam Lưu”. Với khoảng 600 diễn viên nghiệp dư của các làng quanh thị trấn tham gia múa hát, thu hút tới hơn vạn người xem. Cứ Việt hoá Tệ thì giá vé khoảng trên 300.000 đồng, doanh số bán một đêm khoảng trên 3 tỉ, mà các show diễn thì cứ ngày này sang tháng nọ (sẽ có dịp trở lại show diễn), mới thấy sức mạnh của nền công nghiệp không khói (du lịch) xứ người tổ chức có bài, có mẹo, có mảng miếng thế nào. Nghĩ thế, lại thấy tiếc các ưu thế của sông hồ Hà Nội. Một sự so sánh nào đó với các thành phố ở ta vào lúc này chỉ làm ta nao lòng.

Nhưng không phải chuyện phố xá của Nam Ninh, Quế Lâm, hay Dương Sóc. Cũng không phải chuyện người Choang, người Di, người Đồng… ở Quảng Tây đã có một thân phận rất khác những gì tôi từng nghĩ. Càng không phải chuyện ông Trương Nghệ Mưu biết mang cái tài nhân bản mô hình diễn ra cả nước đặng hốt tiền (Trương quê ở Quảng Tây), mà là chuyện cái cửa khẩu.

Chúng tôi sang đất bạn là bước vào một cửa khẩu to, có dấu ấn khác biệt về không gian kiến trúc, vóc dáng, đường dẫn, cổng chào và sự nghiêm cẩn của an ninh, của trật tự đường đi lối lại. Phía ta, ngoại trừ cây cột mốc chung ở cửa khẩu là mới, phía sau là căn nhà làm thủ tục xuất nhập cảnh cũ kĩ, chật chội. Những bốt kiểm soát có vẻ tạm bợ. Cửa khẩu là con đường bùn đất vương lầy lội, láo nháo người tìm nhau, xe đưa đón. Một nhà vệ sinh tin hỉn đầu hồi đã bị bịt, với dòng chữ phấn trắng nguệch ngoạc báo đang sửa chữa. Bi hài thay, ông bạn “yếu thận” của tôi cứ chạy vòng quanh, nhăn nhó vì không biết “giải cứu” bằng cách nào. Thú thực, chúng tôi cùng thốt lên, sao cửa khẩu bên mình nhếch nhác thế!

Nhếch nhác, lại căn bệnh nhếch nhác! Nhếch nhác, dễ dãi và tạm bợ, sao nó nhiễm lâu thế trong tư duy, trong lối sống của mình. 

Hữu Nghị, một cửa khẩu lớn và lâu đời trên biên giới phía Bắc. Nó là cửa ngõ, là gương mặt, là tư thế, là phên dậu của một quốc gia. Bao nhiêu thứ “ăn chơi nhảy múa” còn có người không tiếc dốc hầu bao đầu tư, một cửa khẩu quốc gia cho đàng hoàng, uy nghi, cho tư thế, cho hấp dẫn du khách còn chờ đến bao giờ nhỉ?

Bao giờ, bao giờ? Các cụ ta vẫn bảo: “Nhà cao cửa rộng”, “nhà có khuôn có phép”. Đây là ngôi nhà Tổ quốc, cửa ngõ Tổ quốc. Cứ thế mà trông ra, mà ngẫm, mà chạnh lòng biết mấy!

(Theo bài viết của Nhà thơ Trần Quang Quý trên VietnamNet)



Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009

CẦU PHÚ MỸ VÀ ĐẠI LỘ ĐÔNG TÂY TPHCM - Sẵn sàng thông xe

Hai công trình giao thông trọng điểm của TPHCM là cầu Phú Mỹ và 60% tuyến đại lộ Đông Tây sẽ được thông xe vào dịp Quốc khánh 2-9, góp phần giảm bớt áp lực giao thông trong nội ô TP.

Còn gần nửa tháng mới đến ngày thông xe nhưng việc thi công cầu Phú Mỹ đã cơ bản hoàn tất. Chiều 18-8, chúng tôi chỉ thấy một ít công nhân thi công đường dẫn vào cầu. Đường lên cầu nồng mùi bê tông nhựa. Đây là một trong những công việc cuối cùng được thực hiện để hoàn thiện cầu chờ thông xe vào dịp lễ Quốc khánh 2-9. 

Quận 7 sang quận 2 chỉ còn 5 phút

Đến thời điểm này, cầu Phú Mỹ (dài 2.101m, tổng vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng) là công trình giao thông duy nhất của TPHCM thi công vượt tiến độ. Ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC), cho biết: “Cầu Phú Mỹ được xây dựng bằng kỹ thuật dây văng tiên tiến của thế giới. Đây cũng là cây cầu đặc biệt, nếu dây văng đứt thì cầu vẫn đứng vững mà không bị gãy, đổ”. 

Theo ông Thái, từ khâu thiết kế, thi công, giám sát, tất cả đều do nước ngoài làm. Trung bình mỗi ngày có khoảng 600 công nhân thi công, cùng với kỹ thuật tiên tiến (công nghệ Đức) và nguồn vốn đầy đủ nên cầu Phú Mỹ mới có thể về đích trước 4 tháng.

Cầu Phú Mỹ sẵn sàng cho ngày thông xe 2-9

Theo tính toán, năng lực thông xe của cầu Phú Mỹ vào năm 2010 sẽ là 4.760 xe/giờ. Nói về tầm quan trọng của cây cầu này, ông Thái cho biết khi có cầu Phú Mỹ và các tuyến đường nối vào cầu Phú Mỹ, các phương tiện từ miền Tây đến Vũng Tàu và từ miền Trung, miền Bắc vào TP không phải đi xuyên tâm TP, góp phần giảm bớt áp lực giao thông trong nội ô. 

Đồng thời giải quyết nhu cầu vận tải vượt sông Sài Gòn giữa khu vực quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và quận 2, quận 9, gắn kết đường vành đai phía Tây và phía Đông, đồng thời nối kết trục Đông - Tây TP. 

Riêng 3 hạng mục đường nối vào cầu Phú Mỹ, ông Thái cho biết đến ngày 2-9 chỉ đưa vào sử dụng một phần đường vành đai phía Đông (nối từ cầu Phú Mỹ-quận 7 đến Liên tỉnh lộ 25B-quận 2) cho xe hai bánh và ô tô. Khi đó người dân từ quận 7 sang quận 2 chỉ mất khoảng 5 phút. Các hạng mục còn lại sẽ thông xe toàn bộ vào cuối năm 2009 như cam kết.

Tuy nhiên, hiệu quả của cầu Phú Mỹ và các tuyến đường nối sẽ không như ý nếu đoạn đường từ vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội, bao gồm cả cầu Rạch Chiếc 2, chậm xây dựng. Vì thế PMC đang đề nghị TP cho đơn vị này thực hiện dự án trên và cam kết thi công xong trong thời gian khoảng 2 năm rưỡi. 

Đại lộ Đông Tây: Thông xe 60% tuyến đường

Sau ngày 2-9, gần 14 km đường đại lộ Đông Tây sẽ được đưa vào sử dụng. Ảnh: T.THẠNH

Không khí làm việc trên công trường đại lộ Đông Tây ở đoạn đường phía Tây và đường ven kênh, dài hơn 13 km đang sôi động, gấp rút để chuẩn bị cho việc thông xe một phần tuyến đường vào ngày 2-9. 

Ông Vương Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây, cho biết trong dịp lễ Quốc khánh 2-9, toàn bộ phần đường phía Tây kéo dài từ rạch Lò Gốm (quận 6) đến nút giao thông Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), gồm 6 làn xe (rộng 42 m) và 5 làn đường ven kênh từ rạch Lò Gốm đến cầu Calmette (quận 1) cũng sẽ được thông xe, một làn xe còn lại vẫn đang thi công hoàn thiện. Theo đánh giá, việc đưa vào sử dụng phần đường trên sẽ góp phần giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông đang rất “nóng” ở cửa ngõ phía Tây TP. 

Còn phần đường mới Thủ Thiêm, dự kiến cũng sẽ thông xe 5 làn xe trong tổng số 10 làn xe vào cuối năm nay. Theo Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây, đến quý I/2010 sẽ thông xe toàn bộ tuyến đường.

Năm 2010, hợp long 4 đốt hầm Thủ Thiêm

Chiều 18-8, báo cáo với đoàn công tác của Thành ủy TPHCM, Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP cho biết nhà thầu Obayashi đã hoàn thành sửa chữa bề mặt bản vách của toàn bộ 4 đốt hầm dìm vượt sông Sài Gòn và đang tiến hành sửa chữa các vết nứt của mặt dưới bản nóc. 

Riêng các bề mặt trong phần xe chạy sẽ được sửa chữa sau khi dìm hầm. Nhà thầu Obayashi cũng đang tiến hành thí nghiệm để lựa chọn phương án cấu tạo lớp bê tông gia cường bản nóc. Kết quả thí nghiệm sẽ được trình tư vấn đánh giá ngay trong tháng này.

Theo kế hoạch, 4 đốt hầm sẽ được lai dắt và đánh chìm từ tháng 2 đến tháng 5-2010. Sau đó, nhà thầu Obayashi sẽ thi công lớp móng và lấp các đốt hầm, hợp long, hoàn thiện hầm cho đến tháng 10-2010.

(Nguồn: www.nld.com.vn)






Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Danh hiệu UNESCO và những chuyện ngược đời ở Việt Nam

UNESCO khuyến cáo: nếu quy mô Nhà Quốc hội sắp xây dựng quá lớn, kiểu dáng kiến trúc không phù hợp với cảnh quan xung quanh, thì khu di tích trung tâm Hoàng thành sẽ ít cơ hội được công nhận là di sản văn hoá thế giới. 

Hang Sơn Động (Phong Nha - Kẻ Bàng)

Chưa mặn mà với danh hiệu của UNESCO

11/8/2009, Hội nghị toàn quốc các Khu Dự trữ sinh quyển và Di sản Thế giới của Việt Nam năm 2009 do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và tỉnh Quảng Bình tổ chức, là dịp gặp nhau thường niên của các tỉnh thành đang "sở hữu" các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, các khu dự trữ sinh quyển và các tỉnh thành đang quan tâm tìm hiểu việc "ghi danh" cho địa phương mình.

Trong hệ thống danh hiệu UNESCO, danh giá nhất là các di sản thế giới, nhưng còn các danh hiệu khác cũng "có giá" như Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Công viên địa chất, Ký ức thế giới... nhưng chúng ta chưa biết tận dụng để nâng tầm hình ảnh đất nước trên trường quốc tế. 

Ví dụ, ta mới có Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là "Ký ức thế giới" trong khi thế giới đã có đến 193 di sản được công nhận từ năm 1997 đến nay.

2 khu dự trữ sinh quyển được công nhận trong năm nay là Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Mũi Cà Mau, giúp Việt Nam có 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhưng 2 trong số 8 danh hiệu này vẫn còn đang "tồn kho" (trong đó có vườn quốc gia Pù Mát - Nghệ An) vì địa phương chưa sẵn sàng đón nhận. Chẳng thế mà Uỷ ban Quốc gia UNESCO đã phải nhắc nhở các tỉnh thành đã có di sản được công nhận: cần bảo tồn và phát huy thương hiệu di sản chứ đừng "để đó" làm vì. Theo số liệu mà ông Phạm Sanh Châu, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, thì: UNESCO là một thương hiệu lớn trị giá 500 triệu đô la Mỹ, mỗi di sản thế giới sẽ thu hút lượng khách trung bình là 1 tỷ người. 

Ở ta mới có chuyện ngược đời như thế

Ông Nguyễn Hoàng Trí (Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam) cũng kêu gọi các địa phương đăng ký càng nhiều càng tốt các danh hiệu UNESCO cho địa phương mình, bởi càng nhiều danh hiệu càng giúp tăng niềm tự hào và nhận thức giá trị của dân bản địa với di sản, dẫn đến những ứng xử đúng đắn. Chưa kể, càng nhiều danh hiệu sẽ dẫn đến càng nhiều cơ hội đầu tư cho bảo tồn và phát triển, càng góp phần tăng thương hiệu của địa phương không chỉ trong nước mà cả với bạn bè quốc tế. 

Nhưng ở ta, dường như hơi ngược đời khi phần lớn các di sản được công nhận đều không do sự chủ động đề cao giá trị của các địa phương. Phải nhờ Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam mới có 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, cũng như Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tha thiết mong có một quy hoạch địa chất tổng thể cho toàn quốc, bởi quá nhiều vùng xứng đáng được đề cử vào danh sách "công viên địa chất thế giới", trong khi ta rục rịch làm hồ sơ đầu tiên cho Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) mấy năm nay vẫn chưa xong. 

Theo TS Trần Tân Văn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, mạng lưới công viên địa chất toàn cầu mới thành lập năm 2004 (năm 2000 ra đời mạng lưới công viên địa chất châu Âu), hiện mới có 18 quốc gia sở hữu 58 công viên địa chất (trong đó riêng Trung Quốc đã có 20 công viên địa chất). 

Với kế hoạch công nhận 500 công viên địa chất toàn cầu trong 20 năm, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tham gia ngay từ những ngày đầu vào mạng lưới này, những địa danh đã có danh hiệu di sản, khu dự trữ sinh quyển thì việc tiếp tục đăng ký công viên địa chất sẽ dễ dàng hơn. 

Ưu tiên số một là Hoàng thành Thăng Long

Xem danh sách 2 hồ sơ khởi động khá muộn nên đang "chạy nước rút" hết tốc lực để kịp hoàn thành trước thời hạn 31/8 năm nay [lễ hội Gióng cho di sản văn hóa đại diện và Bia Văn Miếu cho "Ký ức thế giới"], dễ nhận thấy Hà Nội đang được "ưu tiên" để có di sản được công nhận đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. 

Có khá nhiều đề cử cho cả 3 loại hình (Di sản văn hoá thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Ký ức thế giới) nhưng ai cũng hiểu mục tiêu số một của chúng ta là Hoàng thành Thăng Long "thắng", được công nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới. 

Khó khăn lớn nhất với Hoàng thành hiện nay thể hiện ở khuyến cáo của UNESCO, rằng nếu quy mô Nhà Quốc hội sắp xây dựng quá lớn, kiểu dáng kiến trúc không phù hợp với cảnh quan xung quanh, thì khu di tích trung tâm Hoàng thành ở sát cạnh bên sẽ ít cơ hội để sở hữu danh hiệu di sản văn hóa thế giới danh giá cho thủ đô Hà Nội. 

Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thể hiện rõ mong muốn thúc đẩy "ráo riết" việc đề cử thêm nhiều di sản mới cho Việt Nam. Ông Phạm Sanh Châu (Tổng Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam) kêu gọi các địa phương chủ động đề nghị "giá trị" của tỉnh mình, và "bật mí" với các tỉnh việc UNESCO đang khuyến khích các khu dự trữ sinh quyển biển đủ điều kiện làm hồ sơ đăng ký di sản thiên nhiên thế giới. 

Theo ông, nhiều "ứng cử viên" được đánh giá cao nhưng lại chưa có cơ hội để đăng ký, bởi dù nằm trên địa bàn một tỉnh, nhưng lại do Chính phủ trực tiếp quản lý, như trường hợp Vườn Quốc gia Bạch Mã, hay chuyện chưa có một cơ quan quản lý nhà nước chung cho các Khu dự trữ sinh quyển thế giới để lập chương trình quảng bá chung cho thương hiệu này tại Việt Nam. 

Những hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới đã bị thất bại cũng được mang ra mổ xẻ để rút kinh nghiệm, như hồ sơ của vườn quốc gia Ba Bể không chứng minh được tính độc nhất nên "trượt", hồ sơ vườn quốc gia Cát Tiên cũng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật nên bị loại ngay từ vòng 1 tại hội nghị Sevilla (Tây Ba Nha) vừa qua. 

Nhiều địa danh chúng ta muốn làm chỉ vì "cảm tính", nhưng xét theo tiêu chí của UNESCO thì còn thiếu tính khoa học quốc tế. Vậy nên ta cứ nghe loáng thoáng việc sẽ đề cử di sản này di sản khác, nhưng rất nhiều trong số đó rơi vào "hư không", nhiều hồ sơ khác bị làm vội vàng, cập rập. Có lẽ, cần một cuộc "kiểm kê" di sản hệ thống trên toàn quốc, để các tỉnh thành hiểu hơn về thế mạnh của bản thân, mới mong có chiến lược lâu dài và toàn diện trong việc ghi danh Việt Nam trên "bản đồ" danh hiệu UNESCO của thế giới.

(Theo VietnamNet)

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2009

Kiến trúc nào cho các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây?

Đại lộ Đông-Tây là trục đường dài hơn 20km kéo dài từ phía Đông sang phía Tây của thành phố, với điểm bắt đầu tại quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, đi qua các quận 8, 6, 5, 1 và kết thúc tại Cát Lái của quận 2. Do có một vị trí quan trọng như vậy nên hơn một tháng trước, trong chuyến đi kiểm tra tiến độ thi công đại lộ Đông-Tây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, sớm nghiên cứu và ban hành quy định về quản lý kiến trúc các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây.

Nơi lưu gửi... “hồn” Sài Gòn xưa

Chủ trương nêu trên của thành phố đang trở thành đề tài tranh luận lý thú cho nhiều kiến trúc sư. Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải-nguyên cán bộ lãnh đạo của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TPHCM trước đây, cho rằng đây là một chủ trương cần thiết, bởi đại lộ Đông-Tây là một trục đường lớn chạy qua hầu hết các quận, huyện trung tâm của thành phố, đặc biệt lại nối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nên các ô phố ở đây sẽ là một điểm nhấn quan trọng về kiến trúc cho thành phố. 

Theo kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, nơi đây không gian thoáng đãng với đại lộ Đông-Tây rộng 10 làn xe chạy dọc kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, và bên kia kênh lại có một con đường khác nữa nên sẽ là điều kiện lý tưởng cho việc xây dựng những công trình kiến trúc tuyệt vời.

Thi công đại lộ Đông - Tây tại quận 5 sáng 3-8. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một cán bộ lãnh đạo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang trực tiếp tham gia nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý kiến trúc các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây cũng đánh giá cao vị thế lý tưởng của không gian kiến trúc này khi cho rằng “Thành phố có thể xây nhiều cầu đi bộ qua kênh, vừa tạo điều kiện giao thông giữa 2 bờ kênh, vừa làm công trình kiến trúc tô điểm cho khu vực”.

Bởi kênh Tàu Hủ-Bến Nghé chỉ rộng tối đa khoảng 100m, nơi hẹp nhất 40m nên không gian nơi đây rộng nhưng sẽ không trống trải. Đại lộ Đông-Tây chạy dọc theo kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, nơi in đậm hình ảnh “trên bến dưới thuyền” của một Sài Gòn xưa, nên ý tưởng tái hiện lại một phần hình ảnh này cũng đang được rất nhiều kiến trúc sư đề xuất. Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải đề nghị toàn bộ khu vực đại lộ Đông-Tây gần với đường Trần Văn Kiểu nên phục hồi lại các khu nhà cổ và tái hiện lại cảnh “trên bến, dưới thuyền” phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố, có thể là những bến tàu đón khách đi ngắm cảnh thành phố hoặc những bến taxi thủy chia tải cho đường bộ… 

Khu vực quận 1, đoạn từ Bến Chương Dương đến cầu Nguyễn Văn Cừ, có thể cho xây dựng nhà cao tầng nhưng không nên cao quá để có sự hài hòa với kênh và không có sự “tranh chấp” với các kiến trúc ở trung tâm quận 1. 

Dọc đại lộ Đông-Tây cũng nên có những công trình công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, thưởng lãm nghệ thuật của người dân như nhà hát, rạp chiếu phim… Riêng công viên cây xanh nên được phát triển xen giữa các khối kiến trúc, vừa tạo vẻ đẹp cho các khối kiến trúc này vừa tiết kiệm được đất. Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải cho rằng thành phố nên lưu ý đến kiến trúc “lai” Á-Âu vốn có của khu vực quận 5, quận 6 để có các công trình kiến trúc phù hợp cho toàn khu vực.

Cần một tổng chỉ huy cho các công trình kiến trúc 

Theo một cán bộ của tổ công tác này cần có một tổng chỉ huy cho các công trình ở đây giúp cho kiến trúc toàn khu vực không bị lẻ mẻ. Để thống nhất như vậy có nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh cục bộ lại quy hoạch các khu dân cư xung quanh trục đường cho phù hợp với yêu cầu mới. 

Đặc biệt là những khu vực nằm trong diện tích đất tính từ ranh đại lộ Đông-Tây vào khoảng 100m-150m, dự kiến sẽ là đối tượng điều chỉnh của quy chế quản lý kiến trúc các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây. Các nhà đầu tư có khả năng đảm nhận những dự án lớn, chiếm diện tích ít nhất 5.000m2 trở lên cũng sẽ được ưu tiên, để các công trình xây dựng không bị xé vụn ra. 

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đang nghiên cứu đến khả năng hạn chế chức năng ở trong các khu phố này và ưu tiên phát triển mạnh các chức năng thương mại, đặc biệt là du lịch, vì theo sở, dọc hai bờ kênh Tàu Hủ-Bến Nghé hoàn toàn có thể tổ chức các dịch vụ du lịch, phục vụ du khách. 

“Nơi đây có thể tổ chức các bến thuyền du lịch, các quán cà phê ven kênh hoặc tạo ra các “bãi cát” dọc kênh cho du khách đến nghỉ ngơi, thư giãn” - một cán bộ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc nói. 

Tuy nhiên, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng cho rằng, muốn làm được tất cả những ý tưởng này thì ngay từ bây giờ các sở, ngành liên quan như giao thông, điện lực, cấp, thoát nước, phải kết nối được với việc xây dựng đại lộ Đông-Tây trong việc xây dựng các công trình này (nằm trong khu vực đại lộ). Nhất định phải hạn chế đến mức tối đa tình trạng đường vừa làm xong thì lại phải đào lên để lắp đặt công trình ngầm, làm cho toàn bộ khu vực lại bị băm nát ra.

(Theo SGGP Online)




Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009

Crazier - Taylor Swift



I never gone with the wind
Just let it flow
Let it take me where it wants to go
Till you open the door
There 's so much more
I never seen it before
I was trying to fly but I couldn't find wings
But you came along and you changed everything

You lift my feet off the ground
You spin me around
You make me crazier, crazier
Feels like I'm falling
And I'm lost in your eyes
You make me crazier, crazier, crazier

I watched from a distance as you
Made life your own
Every sky was your own kind of blue
And I wanted to know how that would feel
And you made it so real
You showed me something that I couldn't see
You opened my eyes and you made me believe

You lift my feet off the ground
You spin me around
You make me crazier, crazier
Feels like I'm falling
And I'm lost in your eyes
You make me crazier, crazier, crazier

Ohhhhh

Baby you showed me what living is for
I don't want to know to hide anymore

You lift my feet off the ground
You spin me around
You make me crazier, crazier
Feels like I'm falling
And I'm lost in your eyes
You make me crazier, crazier, crazier, crazier, crazier.

Love story - Taylor Swift



We were both young when I first saw you
I close my eyes
And the flashback starts
I'm standing there
On a balcony in summer air

See the lights,
See the party,
the ball gowns
I see you make your way through the crowd
You say hello
Little did I know

That you were Romeo, you were throwing pebbles
And my daddy said stay away from Juliet
And I was crying on the staircase
Begging you please don't go, and I said

Romeo take me somewhere we can be alone
I'll be waiting all there's left to do is run
You'll be the prince and I'll be the princess
It's a love story baby just say yes

So I sneak out to the garden to see you
We keep quiet cause we're dead if they knew
So close your eyes
Escape this town for a little while

Cause you were Romeo I was a scarlet letter
And my daddy said stay away from Juliet
But you were everything to me
I was begging you please don't go and I said

Romeo take me somewhere we can be alone
I'll be waiting all there's left to do is run
You'll be the prince I'll be the princess
It's a love story baby just say yes

Romeo save me, they try to tell me how to feel
This love is difficult, but it's real,
Don't be afraid
We'll make it out of this mess
It's a love story baby just say yes

Oh oh,

I got tired of waiting
Wondering if you were ever coming around
My faith in you was fading
When I met you on the outskirts of town. and I said

Romeo save me I've been feeling so alone
I keep waiting for you but you never come
Is this in my head, I don't know what to think
He kneels to the ground and pulled out a ring

And said

Marry me Juliet you'll never have to be alone
I love you and that's all I really know
I talked to your dad, go pick out a white dress
It's a love story baby just say yes

Oh, oh, oh

Oh, oh, oh, oh

Cause we were both young when I first saw you