Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2009

Ôi trời, bãi đậu xe!

Đằng sau niềm vui, hạnh phúc khi có điều kiện sử dụng loại phương tiện cá nhân cao cấp là chiếc ôtô, còn có đến hàng trăm nỗi khổ, chỉ còn biết ngửa mặt than trời của những người ngồi sau vôlăng, mà không nói ra thì chẳng ai biết. Nhiều khi khổ đến xám mặt cũng phải ngậm “bồ hòn”.

Hưởng thụ cũng khổ!

“Đã ngồi sau vôlăng thì làm ơn phải học cách quan sát thật tinh tế, đôi khi phải biết rình mò nhanh tay, lẹ mắt, đôi khi phải biết… khóc, nếu không thì méo mặt ngay lập tức…”, ông Trần Quang, nhà thầu xây dựng, ngụ tại Phú Nhuận, đã đúc kết kinh nghiệm sau hơn hai năm thoả mãn sở thích “ngồi xế hộp” của mình. Kinh nghiệm của ông thoạt nghe thấy lạ và buồn cười, nhưng chỉ có những người ngồi sau tay lái mới hiểu và thuộc rành kinh nghiệm này.

Hồi đó do có vài công trình ở xa, di chuyển bằng xe máy liên tục vừa nguy hiểm vừa mệt, nghe lời bạn bè trong giới, ông quyết định đầu tư mua chiếc Jolie. Từ ngày có xe, công việc tại những công trường xa ổn định, phát triển tốt hơn nhờ sự có mặt, điều hành giải quyết công việc ngay tại chỗ của ông. Lúc đó gặp ai ông cũng kể cái chuyện “sướng” do cái hộp mang lại, lời khuyên dành cho bạn bè lúc đó là: phải mua xe mới biết thế nào là “sướng”. Nhưng sau vài tháng sắm xe, khổ bắt đầu xuất hiện. “Lúc mua thì toàn đi công việc, lên tới công trường thì dừng đâu cũng được, nhưng đi chơi mới thiệt là cực…”, ông Quang than vậy. Nỗi khổ đầu tiên ông gặp là lần đưa vợ con đi dạo cuối tuần khu trung tâm. Sau vài vòng lả lướt, dự định cho con đi chụp hình khu công viên trước UBND thành phố. Vòng xe đến lần thứ ba để tìm chỗ đậu mà không có, ông đành từ bỏ ý định đi dạo bằng… chân. Ngặt nỗi, ba đứa trẻ nước mắt ngắn dài, nằng nặc đòi ba cho chụp hình, cực chẳng đã ông đành dạo qua tuyến đường Nguyễn Huệ, giao ba đứa nhỏ cho vợ dẫn dắt, rồi lại một mình lang thang tìm chỗ đậu. Chẳng biết xui xẻo thế nào mà khu vực cho phép đậu xe khu đường trung tâm chẳng có lấy một chỗ trống. Lái riết cũng mệt, may mắn là ông tìm được một chỗ đậu thu phí ven công viên trước dinh Thống Nhất. “Không tài nào tìm được chỗ dừng, bãi xe sau nhà hát thành phố hết chỗ, dọc tuyến đường Lê lợi, Nguyễn Huệ cũng vậy, may là đang lang thang, đến trước dinh Thống Nhất, chuẩn bị quẹo về Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đột nhiên tôi phát hiện một chiếc rời bãi, mừng quá dừng giữa đường chờ, xe kia ra bao nhiêu thì tôi nhào vào bấy nhiêu. Vừa thở phào vì mừng, nhìn ra thì nhận được ít nhất hai ánh mắt hình viên đạn của những tài xế xe khác, chẳng hiểu là do tôi giành chỗ hay do mình dừng giữa đường… vừa dừng được 30 phút, vợ gọi lại phải đánh xe chạy ra trung tâm đưa đám nhỏ về… tới nhà nhớ đời…”, ông Quang nhớ lại. Kể từ sau chuyến đi dạo kinh hoàng đó, ông không dám nghĩ tới chuyện lấy xe hơi chở vợ con đi dạo trung tâm.

Với nhu cầu mua sắm xe hơi ngày càng gia tăng như hiện nay, trung bình khoảng vài trăm chiếc một tháng thì nỗi niềm chỗ đậu công cộng với những chiếc xế hộp ngày càng gia tăng. Không ít người sau khi sắm được xe, chỉ dám nghĩ đến những chuyến đi du lịch xa, còn chuyện di chuyển bằng xe hơi thường nhật chẳng khác nào “cực hình”. “Nếu anh mới cầm lái khoảng sáu tháng, di chuyển vào giờ cao điểm trong nội thành thì mới biết vì sao tôi gọi là cực hình. Lần đó tôi có công việc trên đường Phan Đăng Lưu, do công ty đối tác có mặt bằng nhỏ nên xe để ngoài đường. Đang ngồi làm việc thì nhân viên bảo vệ vào thông báo, kẹt xe, vội vàng chạy ra đưa xe vào một con hẻm gần đó. Đến khi làm việc xong, ra ngoài thì hỡi ơi đường ken đặc người, vào tới chỗ để xe thì người này lườm, người khác bực mình vì hết đường, vội vàng lên xe nổ máy ra tới đường lớn thì nhích từng chút… về tới nhà chân kiềm côn mỏi nhừ, bước xuống xe đi mà cứ như đi mượn chân của ai… Bây giờ cứ tới gần giờ cao điểm là đừng ai nói tôi đi xe hơi, kẹt xe có mệt nhưng không bằng tìm chỗ đậu. Đừng tưởng đường cho phép đậu là tốt, lúc kẹt xe, nghe thiên hạ chửi thôi là nhức đầu, chưa kể thân xe lãnh thêm vài vết xước, móp là chuyện bình thường... vậy đã cực hình chưa…”, ông Nguyễn Tấn Đạt, một doanh nghiệp may mặc, ngụ tại quận 12, rùng mình kể.

Đậu xe – cá nằm trên thớt

Trong bối cảnh đường sá đông đúc, lô cốt khắp nơi, kiếm chỗ để xe công cộng đã trở thành nỗi ám ảnh cho người có xe hơi. Để giải toả nỗi sợ “hiện đại” này, chính quyền thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực dọn dẹp những khoảng trống hiếm hoi trong lòng đô thị để cho những chủ xe có chỗ dừng đẹp, an toàn hơn. Tuy nhiên những bãi xe đó hiện nay chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu ngày càng cao. Nhiều dự án bãi xe ngầm đã từng được nghĩ đến nhưng đến nay chẳng có công trình nào ra đời. Tất cả vẫn nằm trên giấy và rồi những bãi xe “tư nhân” có được nguồn lợi hấp dẫn.

“Nếu so với giá giữ xe tại những điểm đậu xe có thu phí của thành phố, thì giá giữ xe tại những toà nhà cứ như… dao cạo…”, ông Trần Thanh Hải, kiến trúc sư một công ty xây dựng trên địa bàn quận 2, ví von. Theo lời ông Hải trong một lần sử dụng xe hơi đi ăn cưới tại một nhà hàng tại quận 3, trong hai tiếng đồng hồ dự tiệc, anh đã phải chi 70.000 đồng cho một khoảnh lề đường được tận dụng thành bãi giữ xe. Hôm đó ông đếm có ít nhất 10 chiếc xe đậu dưới lòng lề đường và phải trả phí. Còn với ông Nguyễn Xuân Vinh, chủ lò bún dưới quận Tân Phú, có lần phải trả 100.000 đồng cho một lần gửi xe dự tiệc cưới tại một khu phức hợp hạng sang trên đường Tôn Đức Thắng.

Trong khi chủ xe tư nhân sợ giá giữ xe tại những nơi sang trọng, thì những người lái thuê, sợ nhất là những ông bà chủ “kẹo kéo” và nhiều tính toán. “Có lần bà chủ tôi đến một cuộc họp khách hàng tại nhà hàng Craven, nhưng nhất quyết không chịu trả tiền đậu xe vào bãi mà buộc tôi phải dừng ven đường vì bà chỉ vào đó khoảng một giờ, đậu mà xuống xe thì sợ bị phạt vì là khu cấm đậu, ngồi trên xe thì bà chủ không cho mở máy lạnh, cực chẳng đã phải bỏ tiền túi vào bãi để được thanh thản…”, Xuân Thi, ngụ tại Phú Nhuận than.

Còn với cánh taxi khi đi ra tỉnh thì nói theo Phạm Thế Tài, taxi tự do, “phải lãnh ít nhất vài cái thẹo mới khôn được”. Thẹo ở đây là những mảnh giấy phạt, được cung cấp bởi lực lượng cảnh sát giao thông sở tại, do vậy kinh nghiệm kiếm chỗ đậu xe thường kèm theo… nước mắt. Tài kể, có lần khách Sài Gòn bao xe ra Vũng Tàu, đến trưa thì người thuê yêu cầu ra bến tàu cao tốc đón người nhà. Dong xe ra tới bến, thấy đồng nghiệp địa phương đậu cả chục chiếc xe dọc theo lề đường, để tránh phiền phức, Tài chạy qua khỏi dãy taxi đó mới tắp vào lề, chưa kịp định thần thì thấy bóng một cảnh sát giao thông, sát bên, ra khỏi xe thì mới biết đây là khu vực cấm đậu cấm dừng. Khóc muốn hết nước mắt, diễn giải là vì thực tế thấy có người đậu xe, nhận một bài giảng giải về luật tài xế mới được thông cảm. “Ra tỉnh hay đến bất kỳ chỗ nào đừng nhìn theo xe đi trước mà vào, không khéo người không sao mà mình phải lãnh thẹo…”, Tài đúc kết.

Số lượng xe ngày càng tăng, trong khi diện tích dành cho xe thì không thay đổi, việc kẹt xe là chuyện tất nhiên, tất nhiên chỗ đậu cũng là một chuyện đau đầu. Trước khi diện tích chỗ đậu xe tăng thêm, có lẽ chủ xe đành phải trông chờ vào việc tự trang bị kiến thức đối phó cho mình.

(Theo Kiến trúc & Đời sống)


0 nhận xét:

SaneBull World Market Watch

World business news - CNNMoney.com