Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Đô thị không bản sắc và nỗi buồn một người hoài cổ

Vậy thì việc đầu tiên là phải chống lại sự vô cảm, một căn bệnh thời đại đang có dấu hiệu lây lan nhanh. Nếu không vô cảm, lại thông minh giỏi giang, lại có đủ điều kiện về mặt tiền bạc và kỹ thuật thì lo gì chuyện bản sắc đô thị...

1. Hơn hai mươi năm trước tôi có ý định làm cuốn sách “Chân dung tỉnh lẻ ”, những chân dung được “vẽ” bằng ký, bằng ảnh, tranh, bài hát mà tôi có thể sưu tập được và bằng ảnh chụp cùng với phần ghi chép của riêng mình. Đấy là một dự án phi thực tế vì lúc ấy không có khái niệm về đầu tư, mà tôi thì nghèo.

Thập niên 70, 80, những tỉnh lỵ ở nước ta mà tôi đã đi qua hầu hết vẫn còn chút ít sự khác biệt, dù nó đã bị biến dạng đi rất nhiều sau hai cuộc chiến kéo dài và sau công cuộc tái thiết thời hậu chiến được tiến hành với những hiểu biết ấu trĩ về qui hoạch đô thị. 

Tôi đã chụp hàng chục cuộn phim về Tuyên Quang, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Sơn Tây, Hưng Yên, Trà Vinh, Châu Đốc, Sa Đéc, Long Xuyên, Mỹ Tho, Cần Thơ, Thủ Dầu Một, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Vũng Tàu v.v. và nhận ra rằng nó có những cái để ta thấy vẻ đẹp của chúng là khác nhau và vẻ đẹp khác nhau ấy bao giờ cũng gợi cho ta một chút nhớ nhung, một chút bâng khuâng, tạo thành ấn tượng khó phai mờ khiến ta muốn quay trở lại. 

Những ghềnh đá ven sông Lô chảy qua thị xã Tuyên Quang dọc theo đường phố chính, những dãy phố nhỏ của thị xã này thềm nhà cao với rất nhiều bậc tam cấp xây bằng gạch, trên nền cũ đã bị tiêu thổ từ thời kháng chiến chống Pháp là những ngôi nhà toóc xi lợp néo (nứa đập rập), vào mùa lá rụng, những đám lá khô gom lại ở góc phố bén lửa, khói bay lờ lững, thơm ngái chiều đông giá. 

Những dấu tích của khu phố buôn bán, phường hội của Nam Định: Hàng Nâu, Hàng Sắt, Hàng Thao, Hàng Đồng v.v... đường phố nhỏ hẹp, nhà thấp, rêu phong, kiến trúc theo kiểu nhà ống từa tựa như phố cổ Hà Nội và bức tường dài dằng dặc của nhà máy dệt, nhà máy tơ Nam Định. 

Hải Phòng có sự chia khu rõ rệt theo những phong cách khác nhau: Khu phố Tàu từ Nhà hát Lớn đổ về Chợ Sắt ồn ào nhộn nhịp, những dãy nhà phố hai tầng ban công đúc hoặc bằng sắt uốn rất gần với kiến trúc Chợ Lớn; Khu phố Tây từ Nhà hát Lớn đổ về Bến Sáu Kho nhang nhác một “Paris thu nhỏ” vắng vẻ thanh bình; Khu phố Ta bên kia sông Lấp đổ về Quán Bà Mau nhà cửa xây theo phong cách thuộc địa thập niên 30, 40 thế kỷ trước. 

Lần đầu tiên đến Thủ Dầu Một được dạo phố trên một chiếc xe thổ mộ, tôi ngẩn người trước những dốc phố quanh co, những ngôi nhà gạch một tầng lợp ngói âm dương và mùi hương của rất nhiều cây điều đang trổ hoa trước cửa nhà, hoặc sau những bờ tường rào thấp. 

Còn ở các thị xã miền Tây Nam Bộ là ấn tượng về phố xá của sông nước, kênh rạch với ghe, xuồng nhộn nhịp và những cây cầu nhỏ uốn cong. Rồi phố núi Ban Mê Thuột, phố biển Vũng Tàu, Nha Trang, phố cao nguyên thông xanh cỏ mướt biệt thự cổ kính Đà Lạt... 

Giờ thì thấy tiếc, sự phát triển ồ ạt của đô thị trong vòng mười năm nay đã khai tử cho gần như tất thẩy những gì gọi là ấn tượng, là vẻ riêng khó trộn lẫn của những nơi tôi đã đi qua. Suốt từ Bắc chí Nam đang hình thành ngày càng rõ nét một kiểu đô thị mới mà chữ gọi đúng nhất là đô thị không bản sắc. Chúng giống nhau hoặc mài mại như nhau và là sự rập khuôn, sao chép vụng về những cái “mới” của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (mà những cái “mới” này chỉ là những cái đẻ ra từ sự pha tạp về phong cách kiến trúc, lộn xộn bất hợp lý về mặt quy hoạch ).

Tuần vừa rồi tôi có chuyến đi xuống hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Suốt 360 km đường ô tô, san sát nhà cửa mọc ven lộ, hầu hết là nhà mới xây. Không biết đây là phố xã, phố huyện, hay tỉnh lỵ và những lúc lãng đi khó có thể nhận ra mình đang đi qua miền Trung, miền Đông Nam bộ hay miền Tây vì cũng là trên đường quốc lộ 1A cả, và vì chúng... giống nhau quá. Đến Cà Mau tôi bị cụt hứng, cái đô thị xa vời của Tổ Quốc mà tôi mơ có một ngày sẽ đặt chân đến, không thơ mộng, độc đáo như tôi tưởng. Nó cũng chẳng khác gì những đường phố mới của quận 8, quận 6 và quận 11 của Thành phố Hồ Chí Minh. Chả lẽ cả nước chỉ có một kiểu đô thị mà sự khác nhau chỉ ở qui mô? Chả lẽ... 

2. Hóa ra nhiều người thành phố rất thích phô trương, không phải phô trương cái mình nghĩ ra mà phô trương cái mình bắt chước được, chỉ hơn kém nhau ở chỗ anh nào bắt chước giống hơn, khéo hơn. Vì thế mới có những ngôi nhà nóc củ hành giống như tháp chuông điện Kremlin, những “biệt thự không vườn” phào chỉ rắc rối, ban công con tiện xi măng, trổ nhiều mái nhọn hoắt như biệt thự ở một số dãy phố Hà Nội trong cái phong trào nhái phong cách kiến trúc thuộc địa cho nó sang mà cô bạn Việt kiều của tôi ở Pháp lần đầu tiên về nước đã nhoai người ra ngoài cửa kính xe bấm máy ảnh lia lịa và kêu lên đầy vẻ thích thú !?

Người phương Tây đến Việt Nam một lần và ở đúng một nơi, cái không bản sắc với họ có thể là một bản sắc độc đáo, vì quả thật nó chẳng giống ai và nhất là chẳng giống chút nào với những đô thị văn minh mà họ đang sống. Nhưng nếu họ đến Việt Nam nhiều lần và ở nhiều nơi chắc là sẽ cũng nghĩ như tôi thôi.

Rồi những mặt tiền ốp lát gạch men bóng lộn, những ngôi nhà ống bọc kính phản quang kiểu Sài Gòn, những cao ốc đơn điệu hình thù giống như những kiêu gạch xếp bên đường. Chúng mọc lên ở Hà Nội, vùng phụ cận Hà Nội và ở cả những đô thị mới xây dựng hoặc cải tạo mới. Chính tâm lý thích phô trương này đã sản sinh ra hình thái đô thị không bản sắc, “độc đáo Việt Nam”

Nói như thế quả cũng hơi nặng lời. Có bao nhiêu cố gắng của các nhà qui hoạch, của những kiến trúc sư tài ba nặng lòng với quê hương mình. Đã có những ngôi nhà, những đường phố, những góc nhìn thấp thoáng bản sắc riêng cho một vùng nào đó, nhưng đã bị chìm lấp trong làn sóng ào ạt của phong trào đô thị hóa “ngẫu hứng” và tự phát. Chắc đợi bao giờ người Việt mình giầu thật, giầu đến mức chẳng cần phô trương nữa, mới có thể bàn đến chuyện bản sắc đô thị chăng. Nói về nó bây giờ có thể là một chuyện quá xa xỉ. 

3. Nghĩ đến dự định dở dang của hơn hai mươi năm trước mà thấy tiếc. Cái cơ hội để nhận diện vẻ riêng biệt, độc đáo của những phố thị nơi tôi đi qua đã vuột mất. Làm sao có thể thực hiện cuốn sách “Chân dung tỉnh lẻ” khi mà chân dung ấy không còn nữa. Thực tế phũ phàng như thế, còn tư liệu tôi gom góp từ bao nhiêu năm không sờ đến đã nằm mốc trong những hộp lưu trữ và trận triều cường năm ngoái cũng đã xóa sạch tất cả.

Nhưng tiếc mà làm gì khi chúng ta không thể cứu vãn cái mà chúng ta đã hủy hoại một cách vô ý thức.

Bản sắc đô thị lấy từ đâu ra? Từ chính truyền thống mà đô thị ấy đã gìn giữ, truyền thống kiến trúc, vẻ đặc sắc của cảnh quan đô thị được bảo tồn qua nhiều năm tháng, nhiều biến cố, và cái cách mà con người quản lý nó, xử sự với nó.

Nhà cửa, cây cối, vườn hoa, quảng trường, sông ngòi kênh rạch chảy qua, những cây cầu lớn nhỏ, con người sống trong đó với những nghi thức và tập tục riêng v.v..., tất cả đều có từ lâu đời đã thành những câu chuyện kể, những hình ảnh và thanh âm in sâu vào tâm khảm mỗi người tạo nên rung động nội tâm.

Cái mà ta gọi là hồn phố hay nói đúng hơn là hồn đô thị có lẽ là tất cả những thứ đó. Rõ ràng bản sắc đô thị bắt nguồn từ tâm hồn con người. Một khi chúng ta vô cảm chúng ta không thể nhận ra nó vì không biết nó ở đâu, nó là cái gì và cũng vì thế chúng ta không thể tạo ra nó.

Vậy thì việc đầu tiên là phải chống lại sự vô cảm, một căn bệnh thời đại đang có dấu hiệu lây lan nhanh. Nếu không vô cảm, lại thông minh giỏi giang, lại có đủ điều kiện về mặt tiền bạc và kỹ thuật thì lo gì chuyện bản sắc đô thị. Lỡ đánh mất cũng sẽ tìm lại được, nếu không có cũng có thể tạo ra.  

(Theo bài viết của nhạc sĩ Dương Thụ trên VietnamNet)





0 nhận xét:

SaneBull World Market Watch

World business news - CNNMoney.com