Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Du hành vũ trụ làm người ta xấu đi

Một công trình nghiên cứu mới cho biết: Nếu sống dài ngày trên vũ trụ, nhà du hành sẽ lùn đi, béo lên và… hói hơn.

Dường như các bộ phim khoa học viễn tưởng đều có ý nói rằng một ngày nào đó ai cũng có mặt trên vũ trụ, chẳng những các gã đàn ông dịu dàng và bảnh trai mà cả các nàng thiếu nữ cân đối và cương nghị. Đúng thôi, vì thế người ta mới gọi những bộ phim như thế này là “viễn tưởng”. Sự thật thì những nhà du hành vũ trụ trở về trong những cuộc du hành có thời hạn nếu bạn chú ý quan sát thì họ đều là những người có dáng vẻ vụng về, chậm chạp, húp híp và chẳng có gì là lanh lợi, hoạt bát. 

Nhà thiên văn học Lewis Dartnel đã hình dung ra là sống trong tình trạng không trọng lượng ngoại hình người ta bị biến đổi một cách kém hấp dẫn nhất. 

Một ứng viên trong chương trình tuyển người của NASA - Ảnh: popsci

Theo thông báo tuyển người gần đây của NASA, họ tuyển những kẻ “đại lãn”, những người làm việc nằm (pillownaut), thậm chí con sâu ngủ (sleeper-in-chief), chỉ thích nằm trên giường hàng tháng trong suốt thời gian thử nghiệm tình trạng không trọng lượng tác động thế nào lên cơ thể người. Và kết quả thì chẳng đáng vui vẻ chút nào. 

Sống triền miên trong tình trạng lơ lửng trong không gian, chẳng cần chút động chân động tay nào, các cơ bắp teo lại một cách nhanh chóng. Xương bị xốp đi khiến cơ thể trở nên giòn và dễ gãy. Sự phát triển của hệ tuần hoàn phải thích nghi với trọng trường, máu bắt đầu “ngại” chuyển đến những chỗ khó đến như đầu chẳng hạn. Điều này làm nhà du hành bị đau đầu khủng khiếp, bị xung huyết mãn tính và đến một lúc nào đó, đầu to ra một cách kỳ lạ. 

Nếu chuyến du hành kéo dài hàng thế hệ thì kết quả còn tồi tệ hơn. Cơ bắp và xương cốt không phát triển “đúng quy luật” nữa, làm những đứa con của không gian lùn tì và béo ị. Sống trong môi trường bầu khí quyển bị lọc rất kỹ và dưới sự khống chế chặt chẽ từng thông số, chẳng cần mái tóc mọc dày trong quá trình tiến hoá để giữ cho thân thể ấm áp, và bảo vệ cho cái đầu mỗi khi va chạm, tóc không thèm mọc nữa.

Cuối cùng thì thế này: cơ thể người không phải được tạo hoá thiết kế để du hành vũ trụ, nên chúng ta phải tìm cách vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh. Có lẽ các bữa ăn của chúng ta phải thêm các thành phần để xương cốt khỏi bị loãng. Có lẽ chúng ta phải tạo ra trong không gian chật hẹp của con tàu một trọng trường nhân tạo để đầu khỏi bị phồng lên như một trái bóng. Có lẽ chúng ta phải có những quy định luyện tập hàng ngày với máy móc để các cơ bắp không teo lại. 

Chúng ta phải tìm mọi biện pháp để khắc phục hoàn cảnh nếu không thì trong tương lai chúng ta sẽ trở nên dị dạng, trông cực kỳ xấu.

(Theo VietnamNet)



Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

Những công trình 4 mặt tiền tại Sài Gòn

Sài Gòn có nhiều công trình đẹp nằm ở vị trí cực kỳ đắt giá và tiếp xúc với cả 4 mặt tiền đường. Các công trình 4 mặt tiền như thế có lẽ không nhiều lắm, nhưng kiến thức mình có hạn, bạn nào biết thì viết comment bổ sung cho mình nhé.

1. Nhà Thờ Đức Bà (Quận 1): giáp đường Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Du, Công xã Paris

2. Bưu điện trung tâm TPHCM (Quận 1): giáp đường Công xã Paris, Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du

3. Kumho Asiana Plaza (Quận 1): giáp đường Lê Duẩn, Lê Văn Hưu, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng

3 công trình trên nằm sát bên nhau.

4. Nhà hát Thành phố (Quận 1): giáp Đồng Khởi, Hai Bà Trưng, Công trường Lam Sơn (2 bên)

5. Thuận Kiều Plaza (Quận 5): giáp Hồng Bàng, Thuận Kiều, Dương Tử Giang, Tân Hưng

6. Sun Wah (Quận 1): giáp Nguyễn Huệ, Tôn Thất Thiệp, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu

7. Hùng Vương Plaza (Quận 5): giáp Hồng Bàng, Phạm Hữu Chí, Nguyễn Kim, Lý Thường Kiệt

8. Chợ Bến Thành (Quận 1): giáp Công trường Quách Thị Trang, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn

9. Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất) (Quận 1): giáp Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai. Đây là công trình lớn nhất TPHCM với diện tích 12 ha.

10. Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Quận 3): giáp Võ Văn Tần, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur

11. Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Quận 1): giáp Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Chu Mạnh Trinh, Lý Tự Trọng

Mình sẽ liên tục cập nhật nếu biết thêm.

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2009

Nghịch lý

Mới rồi đọc báo hay tin, cựu Tổng thống Mỹ W. Bush mua một căn biệt thự rộng đến 800 mét vuông, giá 2,4 triệu đô la ở khu Preston Hollow, nơi được coi sang trọng nhất thành phố Dallas. 2,4 triệu đô la tính ra tiền Việt khoảng hơn 40 tỉ đồng, một số tiền lớn. Song, từ chuyện cựu Tổng thống Mỹ mua nhà, nghĩ đến mặt bằng giá cả ở Việt Nam mới thấy hết sự nghịch lý.

Một biệt thự trên 800 mét vuông đất ở khu phố sang trọng nhất thành phố Dallas (Mỹ) cũng chỉ có giá tương đương một miếng đất cỡ 200 mét vuông ở nội ô TPHCM. Ảnh: Lê Toàn

Theo giá trị hiện hành, những nơi khu vực đẹp nhất Hà Nội như xung quanh Hồ Gươm, Hồ Tây hay khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính - Mỹ Đình... giá dao động từ 150 - 800 triệu đồng/mét vuông. Còn các khu sầm uất ở quận 1 như trục đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ... để có một mét vuông đất, người mua phải bỏ ra từ 300 triệu đồng trở lên!

Giả định nếu mang số tiền 2,4 triệu đô la Mỹ của ông W. Bush để mua các khu đất nói trên tại Hà Nội và TPHCM cùng lắm thì cũng chỉ được mảnh đất rộng chừng 120 - 200 mét vuông! 

Tính ra, giá đất ở Dallas, thậm chí New York cũng chưa thấm vào đâu so với Hà Nội và TPHCM, trong khi thu nhập đầu người của dân Mỹ khoảng trên 46.000 đô la/năm, còn Việt Nam khoảng trên 1.000 đô la/năm (Hà Nội và TPHCM từ 1.500 - 2.500 đô la/năm)! 

Không chỉ giá bất động sản, giá một số sản phẩm của Việt Nam cũng cao gấp nhiều lần so với giá quốc tế; thậm chí đứng đầu thế giới như mặt hàng sữa. Còn ô tô thì khỏi phải bàn, theo một thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp của Bộ Công Thương, giá ô tô sản xuất tại Việt Nam đang bán cao hơn ở Mỹ 2-5 lần.

Điển hình như chiếc xe Camry 2.4, giá bán tại thị trường Việt Nam vào khoảng 54.000 đô la/chiếc, trong khi ở Mỹ chỉ dao động khoảng 19.000 - 21.000 đô la/chiếc; hay giá của chiếc Accord tại Mỹ khoảng 20.000 - 30.000 đô la, thì tại Việt Nam từ 50.000 - 60.000 đô la/chiếc.

Thu nhập thấp nhưng giá cả lại quá cao, phải chăng dân ta đang xài quá sang!

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Thiết kế Notebook 'không tưởng' của năm 2015

Kể từ khi những chiếc máy tính xách tay đầu tiên xuất hiện cách đây 20 năm, bao nhiêu thay đổi đã diễn ra, từ vi xử lý tốc độ GHz, màn hình màu, ổ đĩa quang cho đến dữ liệu không dây.

Tuy nhiên, có một yếu tố vẫn giữ nguyên một cách "cứng đầu". Đó chính là thiết kế vỏ gập truyền thống của laptop, khi nắp màn hình được nhấc lên sẽ hé lộ ra bàn phím cơ học bên dưới. 

Tuy nhiên, ngay cả kiểu dáng tưởng như "bất di bất dịch" này cũng sắp phải thay đổi. Quy luật thiết kế notebook và các linh kiện bên trong đang được soạn thảo lại, để dọn đường cho một trải nghiệm làm việc/giải trí hoàn hảo hơn. 

"Từ nay đến năm 2015, chúng ta sẽ chứng kiến một series những thay đổi lớn, đủ sức định nghĩa lại notebook là gì và trông như thế nào", ông Mike Trainor, chuyên gia phụ trách các sản phẩm di động của Intel chia sẻ. Dưới đây là những gì mà các nhà thiết kế, kỹ sư, chuyên gia marketing dự đoán về máy tính xách tay trong vòng 7 năm tới.

Ý tưởng cho tương lai 

Đầu tiên, hãy thử ngó một vòng qua một số mẫu notebook ý tưởng, kiểu như bạn đang dạo một vòng trong triển lãm ô tô vậy. Những thiết kế này sẽ gợi mở phần nào hình ảnh cách chúng ta tiếp cận và sử dụng máy tính trong tương lai. 

Thường thì chúng do các nhà thiết kế độc lập hoặc các phòng thí nghiệm thai nghén nên. Đây là một lĩnh vực kinh doanh tuyệt mật - những nhà thiết kế có thể chia sẻ với PCWorld về một số ý tưởng của họ, nhưng nhất quyết không hé răng họ đang làm việc cho hãng máy tính nào. 

Hiếm khi một mẫu notebook ý tưởng bước ra đời thực "từ đầu tới chân", dù cho một số khía cạnh, bộ phận, góc này góc kia của nó có thể được ứng dụng và đưa vào sản xuất. Lấy thí dụ, những thiết bị mô hình hồi đầu thập niên 90 được tích hợp loa, chuột và webcam - giờ thì tất cả những linh kiện này đều đã trở thành cấu hình phổ biến.

Compenion

Ý tưởng mang tên Compenion do nhà thiết kế độc lập Felix Schmidberger của Stuttgart, Đức vay mượn từ thiết kế điện thoại nắp trượt. Thay vì nhấc nắp, bạn sẽ trượt màn hình lên phía trên để sử dụng bàn phím. 

Bộ đôi màn hình LED hữu cơ siêu sáng sẽ hiện ra san sát nhau. Màn hình thấp hơn đảm nhận vai trò của bàn phím hoặc bàn di chuột. Toàn bộ thân máy chỉ dày 0,75 inch mà thôi. 

"Không chỉ ép mỏng vòng eo, thiết kế nắp trượt còn mang đến một cảm giác dùng notebook thật khác lạ. Mục đích là phá vỡ những kìm kẹp của thiết kế và phần cứng truyền thống, nhưng bạn vẫn không phải thích nghi với cách dùng máy tính mới". 

Canova


Những hệ thống màn hình kép có thể sẽ trở nên hết sức phổ biến sau 7 năm nữa. Ý tưởng "Canova" của hãng thiết kế V12 Design (Milan, Ý) đã thổi một luồng gió mới vào kiểu dáng vỏ sò quen thuộc của laptop. 


Thay vì một màn hình + một bàn phím cơ học, thiết bị này được trang bị hai màn hình cảm ứng. Màn hình phía trên chủ yếu phục vụ việc duyệt các ứng dụng, trong khi màn hình dưới là nơi để bạn soạn thảo, vẽ và hí hoáy viết ghi chú. Chưa hết, Canova còn có thể "trải ngang" trên các bề mặt rộng, hoặc dựng đứng để tiết kiệm không gian khi cần. 

Tác giả Valero Cometti cho biết, ý tưởng của Canova là nhằm "thu hẹp khoảng cách giữa người và máy". Chiếc máy tính xách tay này sẽ thay đổi phong cách tùy theo cách bạn cầm nó như thế nào. "Mở toang hết ra, nó giống như một bảng vẽ phác thảo. Gập một nửa và xoay 90 độ, nó sẽ biến thành sách điện tử. 

Siafu


Ai cần tới bàn phím chứ? Nhà thiết kế độc lập Jonathan Lucas (California, Mỹ) tin rằng Siafu có thể cảm ứng bạn, theo đúng nghĩa đen. Đó là bởi vì nó dành riêng cho người khiếm thị và hoàn toàn không có màn hình. 

"Tôi muốn tạo ra một giao diện số dành cho những người gặp khó khăn về thị giác, bằng cách cải tiến, thậm chí là phá vỡ giới hạn của các công nghệ cảm ứng hiện hành". Do người khiếm thị không nhìn được màn hình nên Siafu đã chuyển đổi hình ảnh thành một hình khối 3D tương ứng. Chúng sẽ được tạo ra từ Magneclay, một chất tổng hợp gốc dầu có thể biến hình cực nhanh theo điện từ trường. 

Bạn sẽ tương tác với Siafu bằng các ngón tay của mình, cảm nhận những lực và mảng miếng nổi lên. Bề mặt Magneclay có thể cho người dùng đọc báo in bằng chữ nổi, cảm nhận hình dáng của một khuôn mặt nào đó.

Cario

Hãy tưởng tượng về một hệ thống có thể xuất hiện ở nhà, trong ô tô, quán cafe Internet hoặc trên bàn lễ tân khách sạn. 

Đột phá cả về kiểu dáng, tính năng lẫn độ thời trang, Cario thay thế bản lề truyền thống của laptop bằng một quai xách sáng loáng. Nó có thể gập gọn đủ để tích hợp vào trong bánh lái ô tô, vì thế bất cứ lúc nào, tài xế cũng có thể truy cập thông tin mà không bị tréo mắt, sái cổ. Chưa hết, Cario còn tích hợp một máy chiếu mini, phóng to hình ảnh lên trên kính chắn gió của xe. Người dùng sẽ có thể tham khảo bản đồ, họp video conference và tìm trạm xăng gần nhất.

(Theo VietnamNet)




Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Đô thị không bản sắc và nỗi buồn một người hoài cổ

Vậy thì việc đầu tiên là phải chống lại sự vô cảm, một căn bệnh thời đại đang có dấu hiệu lây lan nhanh. Nếu không vô cảm, lại thông minh giỏi giang, lại có đủ điều kiện về mặt tiền bạc và kỹ thuật thì lo gì chuyện bản sắc đô thị...

1. Hơn hai mươi năm trước tôi có ý định làm cuốn sách “Chân dung tỉnh lẻ ”, những chân dung được “vẽ” bằng ký, bằng ảnh, tranh, bài hát mà tôi có thể sưu tập được và bằng ảnh chụp cùng với phần ghi chép của riêng mình. Đấy là một dự án phi thực tế vì lúc ấy không có khái niệm về đầu tư, mà tôi thì nghèo.

Thập niên 70, 80, những tỉnh lỵ ở nước ta mà tôi đã đi qua hầu hết vẫn còn chút ít sự khác biệt, dù nó đã bị biến dạng đi rất nhiều sau hai cuộc chiến kéo dài và sau công cuộc tái thiết thời hậu chiến được tiến hành với những hiểu biết ấu trĩ về qui hoạch đô thị. 

Tôi đã chụp hàng chục cuộn phim về Tuyên Quang, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Sơn Tây, Hưng Yên, Trà Vinh, Châu Đốc, Sa Đéc, Long Xuyên, Mỹ Tho, Cần Thơ, Thủ Dầu Một, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Vũng Tàu v.v. và nhận ra rằng nó có những cái để ta thấy vẻ đẹp của chúng là khác nhau và vẻ đẹp khác nhau ấy bao giờ cũng gợi cho ta một chút nhớ nhung, một chút bâng khuâng, tạo thành ấn tượng khó phai mờ khiến ta muốn quay trở lại. 

Những ghềnh đá ven sông Lô chảy qua thị xã Tuyên Quang dọc theo đường phố chính, những dãy phố nhỏ của thị xã này thềm nhà cao với rất nhiều bậc tam cấp xây bằng gạch, trên nền cũ đã bị tiêu thổ từ thời kháng chiến chống Pháp là những ngôi nhà toóc xi lợp néo (nứa đập rập), vào mùa lá rụng, những đám lá khô gom lại ở góc phố bén lửa, khói bay lờ lững, thơm ngái chiều đông giá. 

Những dấu tích của khu phố buôn bán, phường hội của Nam Định: Hàng Nâu, Hàng Sắt, Hàng Thao, Hàng Đồng v.v... đường phố nhỏ hẹp, nhà thấp, rêu phong, kiến trúc theo kiểu nhà ống từa tựa như phố cổ Hà Nội và bức tường dài dằng dặc của nhà máy dệt, nhà máy tơ Nam Định. 

Hải Phòng có sự chia khu rõ rệt theo những phong cách khác nhau: Khu phố Tàu từ Nhà hát Lớn đổ về Chợ Sắt ồn ào nhộn nhịp, những dãy nhà phố hai tầng ban công đúc hoặc bằng sắt uốn rất gần với kiến trúc Chợ Lớn; Khu phố Tây từ Nhà hát Lớn đổ về Bến Sáu Kho nhang nhác một “Paris thu nhỏ” vắng vẻ thanh bình; Khu phố Ta bên kia sông Lấp đổ về Quán Bà Mau nhà cửa xây theo phong cách thuộc địa thập niên 30, 40 thế kỷ trước. 

Lần đầu tiên đến Thủ Dầu Một được dạo phố trên một chiếc xe thổ mộ, tôi ngẩn người trước những dốc phố quanh co, những ngôi nhà gạch một tầng lợp ngói âm dương và mùi hương của rất nhiều cây điều đang trổ hoa trước cửa nhà, hoặc sau những bờ tường rào thấp. 

Còn ở các thị xã miền Tây Nam Bộ là ấn tượng về phố xá của sông nước, kênh rạch với ghe, xuồng nhộn nhịp và những cây cầu nhỏ uốn cong. Rồi phố núi Ban Mê Thuột, phố biển Vũng Tàu, Nha Trang, phố cao nguyên thông xanh cỏ mướt biệt thự cổ kính Đà Lạt... 

Giờ thì thấy tiếc, sự phát triển ồ ạt của đô thị trong vòng mười năm nay đã khai tử cho gần như tất thẩy những gì gọi là ấn tượng, là vẻ riêng khó trộn lẫn của những nơi tôi đã đi qua. Suốt từ Bắc chí Nam đang hình thành ngày càng rõ nét một kiểu đô thị mới mà chữ gọi đúng nhất là đô thị không bản sắc. Chúng giống nhau hoặc mài mại như nhau và là sự rập khuôn, sao chép vụng về những cái “mới” của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (mà những cái “mới” này chỉ là những cái đẻ ra từ sự pha tạp về phong cách kiến trúc, lộn xộn bất hợp lý về mặt quy hoạch ).

Tuần vừa rồi tôi có chuyến đi xuống hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Suốt 360 km đường ô tô, san sát nhà cửa mọc ven lộ, hầu hết là nhà mới xây. Không biết đây là phố xã, phố huyện, hay tỉnh lỵ và những lúc lãng đi khó có thể nhận ra mình đang đi qua miền Trung, miền Đông Nam bộ hay miền Tây vì cũng là trên đường quốc lộ 1A cả, và vì chúng... giống nhau quá. Đến Cà Mau tôi bị cụt hứng, cái đô thị xa vời của Tổ Quốc mà tôi mơ có một ngày sẽ đặt chân đến, không thơ mộng, độc đáo như tôi tưởng. Nó cũng chẳng khác gì những đường phố mới của quận 8, quận 6 và quận 11 của Thành phố Hồ Chí Minh. Chả lẽ cả nước chỉ có một kiểu đô thị mà sự khác nhau chỉ ở qui mô? Chả lẽ... 

2. Hóa ra nhiều người thành phố rất thích phô trương, không phải phô trương cái mình nghĩ ra mà phô trương cái mình bắt chước được, chỉ hơn kém nhau ở chỗ anh nào bắt chước giống hơn, khéo hơn. Vì thế mới có những ngôi nhà nóc củ hành giống như tháp chuông điện Kremlin, những “biệt thự không vườn” phào chỉ rắc rối, ban công con tiện xi măng, trổ nhiều mái nhọn hoắt như biệt thự ở một số dãy phố Hà Nội trong cái phong trào nhái phong cách kiến trúc thuộc địa cho nó sang mà cô bạn Việt kiều của tôi ở Pháp lần đầu tiên về nước đã nhoai người ra ngoài cửa kính xe bấm máy ảnh lia lịa và kêu lên đầy vẻ thích thú !?

Người phương Tây đến Việt Nam một lần và ở đúng một nơi, cái không bản sắc với họ có thể là một bản sắc độc đáo, vì quả thật nó chẳng giống ai và nhất là chẳng giống chút nào với những đô thị văn minh mà họ đang sống. Nhưng nếu họ đến Việt Nam nhiều lần và ở nhiều nơi chắc là sẽ cũng nghĩ như tôi thôi.

Rồi những mặt tiền ốp lát gạch men bóng lộn, những ngôi nhà ống bọc kính phản quang kiểu Sài Gòn, những cao ốc đơn điệu hình thù giống như những kiêu gạch xếp bên đường. Chúng mọc lên ở Hà Nội, vùng phụ cận Hà Nội và ở cả những đô thị mới xây dựng hoặc cải tạo mới. Chính tâm lý thích phô trương này đã sản sinh ra hình thái đô thị không bản sắc, “độc đáo Việt Nam”

Nói như thế quả cũng hơi nặng lời. Có bao nhiêu cố gắng của các nhà qui hoạch, của những kiến trúc sư tài ba nặng lòng với quê hương mình. Đã có những ngôi nhà, những đường phố, những góc nhìn thấp thoáng bản sắc riêng cho một vùng nào đó, nhưng đã bị chìm lấp trong làn sóng ào ạt của phong trào đô thị hóa “ngẫu hứng” và tự phát. Chắc đợi bao giờ người Việt mình giầu thật, giầu đến mức chẳng cần phô trương nữa, mới có thể bàn đến chuyện bản sắc đô thị chăng. Nói về nó bây giờ có thể là một chuyện quá xa xỉ. 

3. Nghĩ đến dự định dở dang của hơn hai mươi năm trước mà thấy tiếc. Cái cơ hội để nhận diện vẻ riêng biệt, độc đáo của những phố thị nơi tôi đi qua đã vuột mất. Làm sao có thể thực hiện cuốn sách “Chân dung tỉnh lẻ” khi mà chân dung ấy không còn nữa. Thực tế phũ phàng như thế, còn tư liệu tôi gom góp từ bao nhiêu năm không sờ đến đã nằm mốc trong những hộp lưu trữ và trận triều cường năm ngoái cũng đã xóa sạch tất cả.

Nhưng tiếc mà làm gì khi chúng ta không thể cứu vãn cái mà chúng ta đã hủy hoại một cách vô ý thức.

Bản sắc đô thị lấy từ đâu ra? Từ chính truyền thống mà đô thị ấy đã gìn giữ, truyền thống kiến trúc, vẻ đặc sắc của cảnh quan đô thị được bảo tồn qua nhiều năm tháng, nhiều biến cố, và cái cách mà con người quản lý nó, xử sự với nó.

Nhà cửa, cây cối, vườn hoa, quảng trường, sông ngòi kênh rạch chảy qua, những cây cầu lớn nhỏ, con người sống trong đó với những nghi thức và tập tục riêng v.v..., tất cả đều có từ lâu đời đã thành những câu chuyện kể, những hình ảnh và thanh âm in sâu vào tâm khảm mỗi người tạo nên rung động nội tâm.

Cái mà ta gọi là hồn phố hay nói đúng hơn là hồn đô thị có lẽ là tất cả những thứ đó. Rõ ràng bản sắc đô thị bắt nguồn từ tâm hồn con người. Một khi chúng ta vô cảm chúng ta không thể nhận ra nó vì không biết nó ở đâu, nó là cái gì và cũng vì thế chúng ta không thể tạo ra nó.

Vậy thì việc đầu tiên là phải chống lại sự vô cảm, một căn bệnh thời đại đang có dấu hiệu lây lan nhanh. Nếu không vô cảm, lại thông minh giỏi giang, lại có đủ điều kiện về mặt tiền bạc và kỹ thuật thì lo gì chuyện bản sắc đô thị. Lỡ đánh mất cũng sẽ tìm lại được, nếu không có cũng có thể tạo ra.  

(Theo bài viết của nhạc sĩ Dương Thụ trên VietnamNet)





Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

Sống ở Sài Gòn

Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông

Sài Gòn - nơi giao thoa giữa các nền văn hóa Đông Tây

Sài Gòn - trung tâm kinh tế sôi động nhất của cả nước, thành phố lớn nhất nước, dân số đông nhất nước, GDP đứng đầu cả nước.

Sài Gòn - nơi không bao giờ ngủ về đêm (theo mình biết thì chỉ có khu trung tâm TP, khu phố Tây và các ...quán nhậu là như thế thôi, còn những nơi khác thì chìm trong sự tĩnh lặng trước khi chào đón một ngày mới nhộn nhịp)

Sài Gòn - nơi hôi tụ giữa cái mới và cũ, truyền thống và hiện đại (khu Chợ Lớn cổ kính với khu trung tâm hiện đại, xen giữa những tòa cao ốc hiện đại là những căn nhà lụp xụp, những căn chung cư cũ nát)

Sài Gòn còn nhiều thứ nữa, nhưng nhất thời không nhớ ra, viết sau vậy!

Sài Gòn - TPHCM lưu lại trong tôi rất nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm, nhiều tình cảm yêu mến nhưng cũng không ít sự bực mình, khó chịu mà nhiều lúc mình lại muốn rời xa nó một thời gian.

Hòa chung với sự tấp nập, nhộn nhịp của dòng người và xe là sự ngột ngạt đến khó thở, không khí cực kỳ ô nhiễm, cây xanh quá hiếm hoi, do đó kiếm được bóng mát ven đường hoàn toàn là điều không dễ dàng.

Giao thông cực kỳ tệ hại, lô cốt đầy đường; ý thức người đi đường còn quá kém, tiêu biểu là vượt đèn đỏ - điều này diễn ra mọi lúc mọi nơi, đèn chưa kịp xanh đã vội bấm kèn inh ỏi thúc giục, rồi vài chiếc "tiên phong" đi trước, kéo theo hàng loạt xe phía sau ùa theo, ngay cả xe hơi cũng thế, đứng chờ đèn nhiều lúc chỉ còn mình và vài ba xe, trông lẻ loi làm sao. Không dừng ở đó, kể từ khi có lô cốt, thói quen leo lề bắt đầu phổ biến, kẹt xe thì leo lề, đường chật thì leo lề, đường thông thoáng cũng leo lề (để rẽ phải, tránh phải chờ xe phía trước đang dừng đèn đỏ). Từ đó suy ra: tính kiên nhẫn của người dân quá kém (xin lỗi vì có lẽ xúc phạm nhiều người, nhưng đây là sự thật đáng buồn, có thể thấy rõ nhất qua văn hóa xếp hàng). Nói chung chỉ thấy tình hình giao thông ngày càng trầm trọng. Do đó, vào giờ cao điểm, không có việc gì gấp thì tốt nhất là đừng ra đường kẻo vừa bực mình, vừa dễ tổn thọ.

Mùa mưa tới, đi liền với nó là ngập nước. Dự đoán thêm vài năm nữa dân mình vẫn sẽ sống chung với nước ngập. Thật may mắn là đường nhà mình không bao giờ ngập nước, tuy nhiên bao quanh con đường đó lại là những con đường "mới mưa đã ngập". Không biết nên cười hay mếu nữa.

Đường xá thì mạng nhên chằng chịt, những người buôn bán thì tụ tập bán hàng rong, xả rác đầy đường, "chuyện úp mặt vào tường" diễn ra khắp nơi, không biết khi nào thành phố mới trở thành thành phố văn minh.

Nhưng cũng có niềm vui là bộ mặt thành phố đang thay đổi từng ngày, những khu lụp xụp đang dần bị xóa sổ, thay vào đó là những toàn cao ốc, chung cư hiện đại mọc lên, những con đường mới đang xây dựng và sắp đi vào sử dụng. Một Phú Mỹ Hưng hiện đại đã mọc lên, một Thủ Thiêm trong tương lai (dù rằng chờ nó hoàn thành chắc mất vài chục năm) đã làm cho thành phố  trở thành đô thị hiện đại của thế giới.

Dù với những mặt khó chịu như trên thì đây vẫn là một thành phố dễ dàng làm say lòng nhiều người, và là "tình yêu của tôi", nhất là đối với những người đã trải nghiệm cuộc sống ở nơi đây.

-----

Có thể bài này viết không được hay lắm, mong mọi người góp ý, nó cũng tạo sự đổi mới cho blog này, vốn bị nhiều người chê là khô khan, thiếu cảm xúc. Hy vọng mình sẽ viết được thêm nhiều bài khác.

Thôi, đi ngủ, mai còn phải chở đứa em đi thi đại học nữa. 

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2009

Ôi trời, bãi đậu xe!

Đằng sau niềm vui, hạnh phúc khi có điều kiện sử dụng loại phương tiện cá nhân cao cấp là chiếc ôtô, còn có đến hàng trăm nỗi khổ, chỉ còn biết ngửa mặt than trời của những người ngồi sau vôlăng, mà không nói ra thì chẳng ai biết. Nhiều khi khổ đến xám mặt cũng phải ngậm “bồ hòn”.

Hưởng thụ cũng khổ!

“Đã ngồi sau vôlăng thì làm ơn phải học cách quan sát thật tinh tế, đôi khi phải biết rình mò nhanh tay, lẹ mắt, đôi khi phải biết… khóc, nếu không thì méo mặt ngay lập tức…”, ông Trần Quang, nhà thầu xây dựng, ngụ tại Phú Nhuận, đã đúc kết kinh nghiệm sau hơn hai năm thoả mãn sở thích “ngồi xế hộp” của mình. Kinh nghiệm của ông thoạt nghe thấy lạ và buồn cười, nhưng chỉ có những người ngồi sau tay lái mới hiểu và thuộc rành kinh nghiệm này.

Hồi đó do có vài công trình ở xa, di chuyển bằng xe máy liên tục vừa nguy hiểm vừa mệt, nghe lời bạn bè trong giới, ông quyết định đầu tư mua chiếc Jolie. Từ ngày có xe, công việc tại những công trường xa ổn định, phát triển tốt hơn nhờ sự có mặt, điều hành giải quyết công việc ngay tại chỗ của ông. Lúc đó gặp ai ông cũng kể cái chuyện “sướng” do cái hộp mang lại, lời khuyên dành cho bạn bè lúc đó là: phải mua xe mới biết thế nào là “sướng”. Nhưng sau vài tháng sắm xe, khổ bắt đầu xuất hiện. “Lúc mua thì toàn đi công việc, lên tới công trường thì dừng đâu cũng được, nhưng đi chơi mới thiệt là cực…”, ông Quang than vậy. Nỗi khổ đầu tiên ông gặp là lần đưa vợ con đi dạo cuối tuần khu trung tâm. Sau vài vòng lả lướt, dự định cho con đi chụp hình khu công viên trước UBND thành phố. Vòng xe đến lần thứ ba để tìm chỗ đậu mà không có, ông đành từ bỏ ý định đi dạo bằng… chân. Ngặt nỗi, ba đứa trẻ nước mắt ngắn dài, nằng nặc đòi ba cho chụp hình, cực chẳng đã ông đành dạo qua tuyến đường Nguyễn Huệ, giao ba đứa nhỏ cho vợ dẫn dắt, rồi lại một mình lang thang tìm chỗ đậu. Chẳng biết xui xẻo thế nào mà khu vực cho phép đậu xe khu đường trung tâm chẳng có lấy một chỗ trống. Lái riết cũng mệt, may mắn là ông tìm được một chỗ đậu thu phí ven công viên trước dinh Thống Nhất. “Không tài nào tìm được chỗ dừng, bãi xe sau nhà hát thành phố hết chỗ, dọc tuyến đường Lê lợi, Nguyễn Huệ cũng vậy, may là đang lang thang, đến trước dinh Thống Nhất, chuẩn bị quẹo về Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đột nhiên tôi phát hiện một chiếc rời bãi, mừng quá dừng giữa đường chờ, xe kia ra bao nhiêu thì tôi nhào vào bấy nhiêu. Vừa thở phào vì mừng, nhìn ra thì nhận được ít nhất hai ánh mắt hình viên đạn của những tài xế xe khác, chẳng hiểu là do tôi giành chỗ hay do mình dừng giữa đường… vừa dừng được 30 phút, vợ gọi lại phải đánh xe chạy ra trung tâm đưa đám nhỏ về… tới nhà nhớ đời…”, ông Quang nhớ lại. Kể từ sau chuyến đi dạo kinh hoàng đó, ông không dám nghĩ tới chuyện lấy xe hơi chở vợ con đi dạo trung tâm.

Với nhu cầu mua sắm xe hơi ngày càng gia tăng như hiện nay, trung bình khoảng vài trăm chiếc một tháng thì nỗi niềm chỗ đậu công cộng với những chiếc xế hộp ngày càng gia tăng. Không ít người sau khi sắm được xe, chỉ dám nghĩ đến những chuyến đi du lịch xa, còn chuyện di chuyển bằng xe hơi thường nhật chẳng khác nào “cực hình”. “Nếu anh mới cầm lái khoảng sáu tháng, di chuyển vào giờ cao điểm trong nội thành thì mới biết vì sao tôi gọi là cực hình. Lần đó tôi có công việc trên đường Phan Đăng Lưu, do công ty đối tác có mặt bằng nhỏ nên xe để ngoài đường. Đang ngồi làm việc thì nhân viên bảo vệ vào thông báo, kẹt xe, vội vàng chạy ra đưa xe vào một con hẻm gần đó. Đến khi làm việc xong, ra ngoài thì hỡi ơi đường ken đặc người, vào tới chỗ để xe thì người này lườm, người khác bực mình vì hết đường, vội vàng lên xe nổ máy ra tới đường lớn thì nhích từng chút… về tới nhà chân kiềm côn mỏi nhừ, bước xuống xe đi mà cứ như đi mượn chân của ai… Bây giờ cứ tới gần giờ cao điểm là đừng ai nói tôi đi xe hơi, kẹt xe có mệt nhưng không bằng tìm chỗ đậu. Đừng tưởng đường cho phép đậu là tốt, lúc kẹt xe, nghe thiên hạ chửi thôi là nhức đầu, chưa kể thân xe lãnh thêm vài vết xước, móp là chuyện bình thường... vậy đã cực hình chưa…”, ông Nguyễn Tấn Đạt, một doanh nghiệp may mặc, ngụ tại quận 12, rùng mình kể.

Đậu xe – cá nằm trên thớt

Trong bối cảnh đường sá đông đúc, lô cốt khắp nơi, kiếm chỗ để xe công cộng đã trở thành nỗi ám ảnh cho người có xe hơi. Để giải toả nỗi sợ “hiện đại” này, chính quyền thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực dọn dẹp những khoảng trống hiếm hoi trong lòng đô thị để cho những chủ xe có chỗ dừng đẹp, an toàn hơn. Tuy nhiên những bãi xe đó hiện nay chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu ngày càng cao. Nhiều dự án bãi xe ngầm đã từng được nghĩ đến nhưng đến nay chẳng có công trình nào ra đời. Tất cả vẫn nằm trên giấy và rồi những bãi xe “tư nhân” có được nguồn lợi hấp dẫn.

“Nếu so với giá giữ xe tại những điểm đậu xe có thu phí của thành phố, thì giá giữ xe tại những toà nhà cứ như… dao cạo…”, ông Trần Thanh Hải, kiến trúc sư một công ty xây dựng trên địa bàn quận 2, ví von. Theo lời ông Hải trong một lần sử dụng xe hơi đi ăn cưới tại một nhà hàng tại quận 3, trong hai tiếng đồng hồ dự tiệc, anh đã phải chi 70.000 đồng cho một khoảnh lề đường được tận dụng thành bãi giữ xe. Hôm đó ông đếm có ít nhất 10 chiếc xe đậu dưới lòng lề đường và phải trả phí. Còn với ông Nguyễn Xuân Vinh, chủ lò bún dưới quận Tân Phú, có lần phải trả 100.000 đồng cho một lần gửi xe dự tiệc cưới tại một khu phức hợp hạng sang trên đường Tôn Đức Thắng.

Trong khi chủ xe tư nhân sợ giá giữ xe tại những nơi sang trọng, thì những người lái thuê, sợ nhất là những ông bà chủ “kẹo kéo” và nhiều tính toán. “Có lần bà chủ tôi đến một cuộc họp khách hàng tại nhà hàng Craven, nhưng nhất quyết không chịu trả tiền đậu xe vào bãi mà buộc tôi phải dừng ven đường vì bà chỉ vào đó khoảng một giờ, đậu mà xuống xe thì sợ bị phạt vì là khu cấm đậu, ngồi trên xe thì bà chủ không cho mở máy lạnh, cực chẳng đã phải bỏ tiền túi vào bãi để được thanh thản…”, Xuân Thi, ngụ tại Phú Nhuận than.

Còn với cánh taxi khi đi ra tỉnh thì nói theo Phạm Thế Tài, taxi tự do, “phải lãnh ít nhất vài cái thẹo mới khôn được”. Thẹo ở đây là những mảnh giấy phạt, được cung cấp bởi lực lượng cảnh sát giao thông sở tại, do vậy kinh nghiệm kiếm chỗ đậu xe thường kèm theo… nước mắt. Tài kể, có lần khách Sài Gòn bao xe ra Vũng Tàu, đến trưa thì người thuê yêu cầu ra bến tàu cao tốc đón người nhà. Dong xe ra tới bến, thấy đồng nghiệp địa phương đậu cả chục chiếc xe dọc theo lề đường, để tránh phiền phức, Tài chạy qua khỏi dãy taxi đó mới tắp vào lề, chưa kịp định thần thì thấy bóng một cảnh sát giao thông, sát bên, ra khỏi xe thì mới biết đây là khu vực cấm đậu cấm dừng. Khóc muốn hết nước mắt, diễn giải là vì thực tế thấy có người đậu xe, nhận một bài giảng giải về luật tài xế mới được thông cảm. “Ra tỉnh hay đến bất kỳ chỗ nào đừng nhìn theo xe đi trước mà vào, không khéo người không sao mà mình phải lãnh thẹo…”, Tài đúc kết.

Số lượng xe ngày càng tăng, trong khi diện tích dành cho xe thì không thay đổi, việc kẹt xe là chuyện tất nhiên, tất nhiên chỗ đậu cũng là một chuyện đau đầu. Trước khi diện tích chỗ đậu xe tăng thêm, có lẽ chủ xe đành phải trông chờ vào việc tự trang bị kiến thức đối phó cho mình.

(Theo Kiến trúc & Đời sống)


Thu hút FDI: Số liệu và thực tế

Có thể ví việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở một số nước đang phát triển cũng giống như một người đang say sưa trong điệu nhảy: anh ta quay cuồng trong men say và sự phấn khích cực độ mà quên rằng, nếu không kiểm soát được bản thân sẽ rất dễ rơi vào trạng thái ảo giác.

Kinh tế phát triển có công lớn của FDI

Trong suốt một thời gian dài, đặc biệt từ những năm 2000, phần lớn dòng vốn FDI tăng nhanh ở tất cả các khu vực trên thế giới đều tập trung vào một số quốc gia đang phát triển. Theo Dan Deluca (Đại học Columbia, Mỹ), trong năm 2001 khoảng 62% vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển đổ dồn vào Trung Quốc, Mexico, Brazil, Hồng Kông và Ba Lan.

Có nhiều yếu tố dẫn đến sự gia tăng nguồn vốn này - bắt đầu từ cuối thập kỷ 80 - trong đó quan trọng nhất chính là quá trình toàn cầu hóa. Nói cách khác, đó là việc quốc tế hóa quá trình sản xuất khi các công ty đa quốc gia (MNCs) khổng lồ giới thiệu cái gọi là “liên chi nhánh cung cấp toàn cầu”.

Thực chất, đó là hình thức MNCs tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, nguồn tài nguyên dồi dào, chi phí sản xuất thấp ở nước nhận vốn đầu tư (đa số là nước đang phát triển và cần vốn) và chính sách ưu đãi của chính phủ nước đó nhằm phục vụ cho thị trường toàn cầu của họ.

Công nghệ mang vào nước sở tại được thay đổi, thậm chí hạ thấp hơn so với công nghệ gốc của nhà đầu tư, và chi phí vận chuyển, thông tin, liên lạc giảm đã giúp MNCs đặt các khâu khác nhau trong dây chuyền sản xuất tại những vùng khác nhau, lợi dụng các điều kiện thuận lợi ở các địa phương để giảm thiểu giá thành và tăng doanh thu.

Một yếu tố khác, theo Deluca (2008), góp phần làm tăng FDI tại các nước đang phát triển là những thay đổi về chính sách của chính phủ các nước này, khi họ điều chỉnh chính sách xúc tiến FDI, thay đổi luật đầu tư, dẫn đến nhiều dự án trước đây có thể bị cấm hoặc gặp khó khăn, thì nay dễ dàng được cấp phép.

Chính phủ các nước tiếp nhận FDI đôi khi đưa ra ưu tiên “đặc biệt” cho các công ty đầu tư vào nước họ, nhất là khi công ty này hứa hẹn tạo nhiều việc làm cho người dân bản địa. Phổ biến nhất là miễn thuế (thường là 5-10 năm), cải thiện hạ tầng cơ sở, giảm thuế quan, trợ cấp và các ưu đãi khác. Những ưu đãi này thường thay đổi theo từng dự án nên khó định lượng được.

Ở một góc độ nào đó, Việt Nam không phải trường hợp ngoại lệ. Trong 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi FDI. Không thể phủ nhận các nỗ lực này đã góp phần gia tăng nguồn vốn FDI, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước và làm thay đổi diện mạo nhiều tỉnh, thành phố.

Cũng phải ghi nhận vai trò của khu vực có vốn nước ngoài đối với nền kinh tế khi nó chiếm khoảng 3,5% tăng trưởng GDP xét theo thành phần kinh tế, và đóng góp từ 20-30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội tùy vào mức độ giải ngân. FDI cũng tạo ra 4,1% tổng việc làm trong xã hội.

Tuy nhiên, như trên đã nói, vì bản thân các ưu đãi này là không công khai, cho nên ở mặt sau của tấm huy chương, rất ít người biết cái giá phải trả để mời gọi một dự án là đắt hay rẻ so với lợi ích thực mà địa phương đó được hưởng từ dự án. Điều này đặc biệt đúng nếu nhìn vào cơ cấu thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản, du lịch ở các địa phương.

Mặt sau của tấm huy chương

Chuyên gia Đặng Thế Truyền, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đã cảnh báo rằng do chạy theo số lượng FDI, các địa phương sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh khiến cho nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, du lịch vô giá của đất nước có thể bị bán rẻ. Hệ quả là phần lợi nhuận mang lại cho Việt Nam từ FDI không tương xứng với giá trị của nguồn tài nguyên vĩnh viễn bị mất đi.

Cũng cần phải có một nghiên cứu độc lập đánh giá liệu các cộng đồng dân cư nghèo ven biển buộc phải hy sinh nhà cửa, ruộng vườn để nhường chỗ cho những resort 5 sao lộng lẫy hay các sân golf thênh thang, có được đền bù thỏa đáng hay không, và tác động của FDI trong trường hợp này là sự “lan tràn tích cực” hay “lan tràn tiêu cực”?

Ông Truyền, người từng được giao nghiên cứu về FDI, kể rằng để thu hút được nhiều vốn FDI vào địa phương mình, nhiều tỉnh đã tự ý “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá mức về thuế (đã biến tướng để tránh các quy định của Nhà nước về thuế), đất đai, lao động, làm thiệt hại quyền lợi đất nước.

Theo ông Truyền, các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch vào Việt Nam làm ăn có rất nhiều lợi thế, bởi các bờ biển của Việt Nam có sẵn điều kiện tự nhiên rất tốt, chưa kể vô số ưu đãi từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, không thể không lo ngại khi hàng loạt mảnh đất đắc địa chạy dọc “mặt tiền” bờ biển Quảng Nam, Đà Nẵng đều được “cắt” để “chia lô” cho các dự án resort, sân golf, khu biệt thự có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Truyền cho rằng, trong khi không nên chia bãi biển cho các dự án quá nhỏ, manh mún (như ở “thành phố resort” Phan Thiết - PV), thì cũng không nên tạo đặc quyền cho các dự án quá lớn, trải khắp một bãi biển rộng (như đoạn đường từ Đà Nẵng đi Cửa Đại, Hội An - PV), chỉ dành cho số ít, thậm chí rất ít nhà đầu tư với các dự án khổng lồ.

Đã có nhiều ý kiến lo ngại tình trạng chiếm đất, giữ đất của một số “siêu” dự án hiện nay, “bởi vì rất có thể sau này, khi các “bãi biển vàng” của Việt Nam trở thành “Thiên đường nghỉ mát” của khu vực và thế giới, thì các công ty chiếm được diện tích quá rộng hiện nay với giá thấp, sẽ trở thành kẻ thống trị cả một bãi biển, cả nghĩa đen và nghĩa bóng”, ông Truyền cảnh báo.

Thực tế hiện nay khẳng định những lo ngại trên không phải là lo xa, khi luồng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào lĩnh vực bất động sản và du lịch. Một lo ngại khác là với hiện tượng chạy theo số lượng, một lượng lớn vốn FDI đổ vào các dự án bất động sản như hiện nay có thể phá vỡ quy hoạch phát triển trong lĩnh vực này và dẫn đến nhiều hệ lụy.

Một trong các hệ lụy, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, là số vốn FDI được công bố không phản ánh đúng đồng vốn thực mà các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là một dự án xây dựng khu căn hộ cao cấp ở Hà Nội có vốn đăng ký 1 tỉ đô la Mỹ nhưng thực chất chỉ có 200 triệu đô la do nhà đầu tư mang vào Việt Nam, còn lại là vốn vay ngân hàng trong nước và vốn huy động từ người dân dưới hình thức đặt cọc mua nhà.

Nhà đầu tư thu tiền của người mua bằng đồng Việt Nam nhưng chuyển lợi nhuận về nước bằng đô la Mỹ cả phần vốn gốc lẫn lãi đã gây gánh nặng cho cán cân thanh toán quốc tế. Ông Doanh cũng lưu ý giữa con số công bố thu hút FDI của Việt Nam và cách tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang có sự chênh lệch.

Việt Nam công bố vốn FDI giải ngân (disbursement capital), chẳng hạn là 8 tỉ đô la nhưng trên thực tế, phải tách bạch phần vốn do phía Việt Nam góp trong các liên doanh, thường là 25-30% bằng giá trị đất đai, nhà xưởng và vốn tín dụng (vay thương mại) mà liên doanh đứng ra vay để hoàn tất dự án đầu tư. “Phần vốn góp 30% này không thể tính gộp vào tổng vốn FDI vì bản chất nó là vốn đầu tư trong nước. Trong khi đó, IMF tính vốn FDI dựa trên vốn cổ phần thực (real equity) được chuyển vào Việt Nam để góp trong liên doanh, nhằm phân biệt với vốn vay thương mại mà liên doanh vay để đầu tư tiếp”, ông Doanh nói với TBKTSG.

Ông Doanh khuyến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên điều chỉnh cách tính nhằm chính xác hóa số liệu về vốn FDI, bởi tỷ lệ chênh lệch đó không ít.

Nên sòng phẳng trong công bố số liệu FDI

Báo cáo 20 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam cho biết tính đến hết năm 2007, đã có 1.359 dự án FDI bị giải thể trước thời hạn với số vốn đăng ký giải thể khoảng 15,5 tỉ đô la Mỹ.

Trong các dự án bị giải thể, số dự án hoạt động theo hình thức liên doanh chiếm đa số (56% về số dự án và 67,2% về tổng vốn đăng ký). Dẫn ra các số liệu cũ như trên để thấy rằng, việc công bố thông tin chính xác và cập nhật về các dự án bị rút vốn, giải thể, tạm ngừng triển khai là rất cần thiết và có lợi, bên cạnh thông tin về các dự án tăng vốn và mới cấp phép được Cục Đầu tư nước ngoài chủ động công bố định kỳ hàng tháng.

Theo ông Doanh, lâu nay, báo chí mới chỉ được tiếp cận một mặt của vấn đề, tức các con số về tình hình cấp mới FDI và như thế là chưa chính xác. Trong tình hình khủng hoảng hiện nay đồng vốn khan hiếm, tỷ giá biến động, nhu cầu thay đổi, việc các nhà đầu tư phải đình chỉ, giãn tiến độ, thậm chí xin rút dự án là điều có thể hiểu được.

Chẳng hạn, một số dự án báo chí đã nêu tên, như dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp lọc hóa dầu và tổ hợp hóa dầu ở Phú Yên với mức vốn đầu tư dự tính lên tới 11 tỉ đô la Mỹ gần đây xin dừng thực hiện, hay dự án thép cán nóng liên doanh giữa tập đoàn Essar (Ấn Độ) với hai đối tác trong nước có vốn đầu tư 527 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn 1 xin tạm ngừng triển khai do khó khăn về tài chính, hoặc thông tin tập đoàn Foxconn (Hồng Hải) của Đài Loan xin hoãn dự án hàng tỉ đô la Mỹ ở Bắc Giang.Nếu trừ đi tổng số vốn đầu tư (dự kiến) của các dự án trên trong tình hình nhiều tỉnh đều thừa nhận có dự án xin rút vốn, theo ông Doanh, thì bức tranh thực về tình hình FDI sáu tháng đầu năm sẽ rất khác.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cũng thừa nhận, việc thu hồi đất của các dự án triển khai chậm hay không thể triển khai được để giao lại cho các nhà đầu tư mới là rất khó vì vướng nhiều thủ tục liên quan. “Ví dụ dự án họ vào, đã đầu tư vài triệu đô la Mỹ rồi, không thể rút ngay giấy phép vì việc này liên quan đến việc thanh lý, các thủ tục khác có khi kéo dài cả sáu tháng. Có trường hợp thanh lý cả năm không xong”, ông Thắng nói với các nhà báo trong một cuộc gặp gần đây.

Nhưng, TS. Lê Đăng Doanh lại cho rằng công bố các con số không chính xác thì không có ích gì, cho dù với bất cứ lý do nào, bởi theo ông, vì lợi ích chung của đất nước, vì uy tín của Việt Nam đối với nhà đầu tư, chúng ta phải sòng phẳng, minh bạch trong các con số đưa ra.

“Trong thực tế, có những chỉ dẫn cho thấy vốn đăng ký ở một số dự án tăng lên quá nhiều vì động cơ lợi ích của địa phương. Có nhà đầu tư nói với tôi rằng họ không đăng ký dự án đến 3 tỉ đô la Mỹ mà chỉ cần 300 triệu đô la cho giai đoạn đầu, nhưng khi xin cấp phép thì địa phương nói cứ đăng ký “cả gói” thì được giao đất. Nhà đầu tư không yên tâm vì nhu cầu chưa cần đến 3 tỉ đô la, họ cũng không có kế hoạch nhưng được gợi ý thì họ cứ đăng ký theo gợi ý”, TS. Doanh nói.

Còn quá nhiều dự án chậm giải ngân

Nếu coi ngày “thụ thai” của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì hiện nay, chắc hẳn có không ít những “bào thai” mười mấy năm tuổi nhưng vẫn chưa đến ngày “sinh nở”.

Mặc dù chưa có một thống kê cụ thể về số lượng các dự án FDI chưa hoặc chậm giải ngân, nhưng chính ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cũng thừa nhận rằng tình trạng này (dự án hơn 10 năm chưa thực hiện) là không thể tránh khỏi.

Hai trong số những dự án FDI “không chịu” giải ngân đã làm tốn không ít giấy mực trong thời gian qua, đó là dự án Vũng Tàu - Paradise, hiện vẫn nằm “đắp chiếu” sau 17 năm được cấp phép hay dự án cảng Thị Vải sau gần 10 năm cấp phép mới chỉ triển khai được một vài hạng mục đầu tư.

Đây chỉ là hai trường hợp dẫn chứng cho việc ì ạch trong giải ngân vốn FDI thời gian qua.Mặc dù tháng 2-2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh này ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư của hai dự án nói trên, mới đây, một cán bộ của sở cho biết hiện các dự án này vẫn chưa bị rút giấy phép bởi UBND tỉnh chưa có quyết định chính thức dù đã họp nhiều lần.

Vốn FDI giải ngân chậm là vấn đề không xa lạ gì với công luận. Người dân đã quá quen với các nguyên nhân vẫn được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông là do “khó khăn trong giải phóng mặt bằng”, rồi thủ tục hành chính phức tạp...

Thế nhưng, một nghịch lý là chính Cục Đầu tư nước ngoài, cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ giải ngân vốn các dự án FDI, cũng không nắm được cả nước hiện có bao nhiêu dự án FDI đã được cấp phép nhưng vẫn chưa hoạt động.

Điều này càng rõ hơn sau khi mới đây, mặc dù đã gần hết nửa năm 2009, nhưng Cục Đầu tư nước ngoài mới “bổ sung” thêm cho thành tích thu hút FDI năm 2008 hơn 7 tỉ đô la Mỹ nữa.Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, một số địa phương có hiện tượng “không chịu” báo cáo về số lượng và quy mô các dự án FDI trên địa bàn mình. Thế nên, không phải lúc nào, Cục Đầu tư nước ngoài cũng nắm được một cách chính xác tên, số lượng cũng như quy mô các dự án đã đăng ký.

Khi trả lời câu hỏi của một phóng viên, rằng “vì sao chúng ta vẫn chưa có một hồ sơ đầy đủ cập nhật về số lượng các dự án chưa giải ngân”, ông Cục trưởng “thú thật” để làm được điều này là rất khó.

Cũng thật khó để nói rằng, thu hút và giải ngân vốn FDI, quá trình nào quan trọng hơn. Thế nhưng, cũng không thể nói rằng, việc nắm được hồ sơ các dự án chưa giải ngân là rất khó, trong khi các dự án đang thuộc dạng “tìm kiếm cơ hội đầu tư” lại được cập nhật thường xuyên.

Mới đây Cục Đầu tư nước ngoài đã công bố với báo giới rằng, họ đang nắm một danh sách đầy đủ từ tên dự án, tên công ty, quy mô dự án, diện tích đất, địa điểm dự kiến và số tiền của các dự án đang “chờ” cấp phép vào đầu tư.

“Cả nước hiện có 197 dự án với tổng số vốn lên tới 85,4 tỉ đô la Mỹ đang làm hồ sơ, thủ tục và chờ được cấp phép vào Việt Nam. Hy vọng, nhiều dự án trong số các dự án này dự kiến sẽ được cấp phép trong 2009 và 2010” - ông Phan Hữu Thắng nói.

(Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn Online)