Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2009

Chợ, siêu thị và cửa hàng

(TBKTSG) - Năm ngoái, khi Việt Nam vươn lên hạng nhất trong bảng xếp hạng của A.T. Kearney, thị trường bán lẻ nội địa vốn đã sáng giá lại càng trở nên hấp dẫn hơn. Các thương hiệu bán lẻ quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều, đồng thời các kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động của các nhà thương mại trong và ngoài nước liên tiếp được công bố. Điều này càng tạo sự phân hóa giữa các hình thức phân phối hàng hóa: truyền thống và hiện đại.

Cuộc đấu giữa chợ và siêu thị

Sau hơn một thập kỷ phát triển, bất chấp tỷ trọng trong tổng doanh thu bán lẻ còn thấp, siêu thị vẫn là nỗi ám ảnh đối với các chợ truyền thống, nhất là ở khu vực đô thị, vì tốc độ phát triển của chúng.

Trên thực tế, các siêu thị đang ngày càng chăm chút hơn về sản phẩm, dịch vụ, ngay cả với khâu bán thực phẩm tươi sống. Điều này cho thấy siêu thị không chỉ mong muốn thu hút người đi mua sắm hàng tuần mà còn cả những người đi chợ hàng ngày.

Không chỉ có vậy, loại hình cửa hàng tiện lợi của hộ kinh doanh cá thể và của các công ty thương mại cũng có xu hướng phát triển mạnh hơn trong lòng các khu dân cư. Đây là loại hình bán lẻ những hàng hóa bổ sung cho việc đi chợ theo định kỳ, có ý nghĩa thiết thực, tức thời, phục vụ gần như 24/24 giờ nhằm đáp ứng loại nhu cầu “ra cổng là có cửa hàng”.

Không chỉ có doanh nghiệp trong nước quan tâm kênh phân phối này dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu, như G7, Shop & Go, Co.op Food... mà các thương hiệu nước ngoài cũng khá hăm hở.

Thông tin mới nhất hồi cuối tuần trước, chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K của Mỹ đã chính thức đến Việt Nam với sự hiện diện của năm cửa hàng đầu tiên đặt tại TPHCM. Mục tiêu phát triển trước mắt của thương hiệu này tại Việt Nam là 100 cửa hàng vào năm 2011 cũng thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Bên cạnh Circle K, nhiều thương hiệu bán lẻ khác với kinh nghiệm dày dạn đang có những động thái thâm nhập thị trường Việt Nam. Sự ra đời của liên doanh SATRA-AFC giữa Tổng công ty Thương mại Sài Gòn với Asiawide Franchise Consultants của Singapore hồi cuối năm ngoái là nhằm khai thác nhu cầu tư vấn nhượng quyền thương mại của cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài. Bởi vậy, hoạt động kinh doanh ở chợ đang ngày càng chịu một sức ép nặng nề hơn.

Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ nội địa năm tháng đầu năm 2009 vẫn đạt trên 452.000 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2008, và nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn còn tăng khoảng 8,4%.


Vấn đề là tuy sức mua tăng nhưng doanh số của kênh phân phối ở chợ lại giảm mạnh. Theo bà Dương Thị Mai Lan, Phó ban Quản lý chợ Bến Thành, ước tính sức mua của người tiêu dùng tại chợ này sáu tháng đầu năm nay giảm 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chợ bán lẻ khác trên địa bàn TPHCM như chợ Tân Định, Bà Chiểu, Thanh Đa, Xóm Chiếu... cũng có mức giảm tương tự.

Trao đổi với đại diện Ban quản lý một số chợ, tất cả đều thừa nhận những năm gần đây có dấu hiệu cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa chợ và hệ thống siêu thị, cửa hàng và trung tâm thương mại. Như vậy, câu hỏi đặt ra là số phận của mô hình chợ truyền thống sẽ đi về đâu? Và phải chăng khi mua sắm ở chợ giảm dần có nghĩa chợ đã thực sự không còn cần thiết nữa? Chuyện kể của Ban quản lý chợ An Đông cho thấy không phải vậy.

Vài năm trước, khi Trung tâm thương mại An Đông Plaza chuẩn bị đi vào hoạt động, hàng ngàn tiểu thương trong ngôi chợ An Đông cũ hết sức lo lắng, bởi “bên kia” hoành tráng, thoáng mát và đẹp đẽ hơn nhiều so với “bên này”.

Nhưng thực tế cho thấy đối tượng khách mua sắm ở hai bên khác nhau. An Đông Plaza đón lượng lớn khách mới, trẻ tuổi trong khi chợ cũ vẫn duy trì được khách quen lâu năm. Mặt khác, hàng hóa ở chợ vẫn phong phú hơn với nhiều cấp độ giá bán theo chất lượng, và người mua có thể mặc cả để được mức giá tốt nhất, nhất là đối với dân nghèo thành thị.

Hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng đang chiếm thị phần bán lẻ ước tính dưới 20% nhưng đang có khuynh hướng tăng nhanh. Một vấn đề lớn cần đặt ra là mạng lưới chợ từ nhiều năm qua đã phát triển khá sâu rộng và văn hóa chợ đã trở nên hết sức gần gũi, ăn sâu vào đời sống văn hóa, tập quán tiêu dùng của người dân, chưa kể nếu biết khai thác, chợ còn là “khẩu vị lạ, độc đáo” đối với khách du lịch quốc tế.

Chỉ riêng tại TPHCM, theo số liệu của Sở Công Thương, hiện có hơn 200 chợ đang bảo bọc cuộc sống của gần trăm ngàn tiểu thương và gia đình họ và vẫn đang chiếm giữ một phần đáng kể trong tổng doanh số của ngành bán lẻ.

“Do vậy, chợ vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống phân phối nhưng lâu nay, khâu tổ chức, quản lý chợ chưa được quan tâm đúng mức. Người tiêu dùng rời xa chợ không phải do chợ không còn cần thiết mà vì chợ bán nhiều hàng hóa không đảm bảo chất lượng, buông thùa trong khâu trưng bày, tiểu thương không được học kỹ năng giao tiếp, bán hàng, quầy, sạp tăm tối, ẩm thấp, nóng bức, vệ sinh kém...

Vấn đề nâng cấp chợ đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn là vấn đề văn hóa, xã hội, bao gồm cả việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả người mua lẫn người bán. Thời gian gần đây, bản thân một số chợ đã có những nỗ lực cải thiện hoạt động mua bán, như chợ An Đông đã áp dụng quy trình quản lý theo ISO, giảm đáng kể các vụ vi phạm bán hàng không đúng giá, thiếu hòa nhã với khách, lấn chiếm không gian chung, quầy sạp không đảm bảo quy định phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh.

Ở góc độ quản lý nhà nước, các cấp chính quyền cũng đã bắt đầu có những hỗ trợ thiết thực mà khóa tập huấn cho gần 200 tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TPHCM vừa được khai giảng là một ví dụ. Khóa tập huấn kéo dài trong sáu tháng do Sở Công Thương, Sở Nội vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm Xúc tiến Thương mại phối hợp với Ban quản lý các chợ và các cấp chính quyền địa phương tổ chức nhằm hướng dẫn những kỹ năng bán hàng như cách mời chào, kỹ thuật trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc khách hàng...

Nói như một vị lãnh đạo TPHCM tại buổi khai giảng khóa tập huấn, nếu như công tác quy hoạch, cải tạo cơ sở hạ tầng cho hệ thống chợ được thúc đẩy cộng với việc tăng cường đào tạo đội ngũ quản lý và từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động bán hàng trong chợ, thì “chợ vẫn có một vị thế và sức hút rất riêng so với những mô hình bán lẻ khác”.

Sức sống của “shop”

Mức sống của người dân ở các đô thị tăng cao cùng với sự phát triển của du lịch là những nhân tố chính đã và đang làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng, nhất là ở các đô thị lớn, ngày càng tỏ ra sành điệu hơn. Trong khi đó, việc phát triển các dự án trung tâm thương mại tập trung lại hết sức chậm chạp do sự bất cập trong công tác quy hoạch cũng như các thủ tục đầu tư - xây dựng rườm rà, tốn kém, kéo dài.

Bên cạnh đó, mặt bằng của các trung tâm thương mại hiện hữu không đủ sức đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng nên nhiều thương hiệu buộc lòng phải chọn mặt tiền đường để mở “shop” (cửa hàng mặt phố). Giá cho thuê mặt bằng mở cửa hàng vì vậy mà nóng lên và diện mạo các con đường cũng trở nên khang trang, hiện đại hơn, hình thành nên những phố chuyên doanh một hoặc vài mặt hàng theo ngành như: thời trang (quần áo/da giày/trang sức...), điện tử gia dụng, hàng kỹ thuật số, trang trí nội thất, dược phẩm, đồ chơi...

Cuối năm 2008 là giai đoạn “co người thủ thế” của nhiều doanh nghiệp do bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng đó cũng là thời điểm cận kề cho việc mở cửa thị trường bán lẻ cho các nhà phân phối 100% vốn nước ngoài. Vì vậy, đằng sau bề mặt ảm đạm của cuộc suy thoái là những cơn sóng ngầm tranh giành những vị trí đẹp trên những con đường đắc địa giữa những thương hiệu còn đủ lực để khuyếch trương thanh thế, nhất là lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm.

Kể từ quí 4-2008 đến nay, Công ty Thời trang Việt đã mở thêm hơn chục cửa hàng tại những phố thời trang nổi tiếng ở TPHCM như Đồng Khởi, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, đưa hệ thống cửa hàng bán lẻ của công ty này trên cả nước vượt qua con số 80. Những tên tuổi trong ngành thực phẩm như Vissan, Agrex Sài Gòn, trà Trâm Anh, yến sào Hoàng Yến... cũng đang triển khai một chiến dịch nhượng quyền thương hiệu cho hàng chục cửa hàng.

Theo ông Trần Thanh Sang, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Việt, so với mô hình trung tâm thương mại tập trung, cửa hàng mặt phố có những ưu điểm như giá thuê thấp hơn, dễ tạo cho khách hàng cảm giác mua sắm gần gũi vì vẫn còn phần lớn người tiêu dùng chưa quen vào các trung tâm thương mại sang trọng. Còn về mặt xây dựng thương hiệu thì công ty có điều kiện nâng tần suất tiếp cận thị trường.

Ông Sang cho rằng trong điều kiện nguồn cung diện tích bán lẻ ở các trung tâm thương mại hiện đại còn ít, giá thuê lại quá cao cộng với thói quen mua bán thuận tiện cự ly gần, mô hình “shop by shop” tại các đô thị vẫn có sức sống mãnh liệt và sẽ còn tiếp tục phát triển trong một thời gian dài nữa.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhà bán lẻ nước ngoài, ông Tjeert Kwant, Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ ECC của Hà Lan, đánh giá các cửa hàng ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn đơn điệu trong khâu thiết kế gian hàng, bảng hiệu.

Ngoài ra, cách trưng bày sản phẩm, cách bán hàng cũng chưa chuyên nghiệp, chưa biết tiếp thị sự khác biệt của thương hiệu. Theo ông, các chủ nhãn hiệu cần huấn luyện kỹ năng bán hàng cho nhân viên nhiều hơn thì mới có thể cạnh tranh với hệ thống cửa hàng của các thương hiệu nước ngoài.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)



0 nhận xét:

SaneBull World Market Watch

World business news - CNNMoney.com