Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Các cơ hội trong khủng hoảng

Cơ hội gia tăng thị phần

Khủng hoảng không dành riêng cho doanh nghiệp nào. Khủng hoảng tác động tiêu cực cho mình, nhưng cũng gây khó cho cả đối thủ cạnh tranh. Đối thủ càng lớn, khó khăn có thể càng nhiều.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp yếu thu hẹp khoảng cách và tìm cách vượt lên doanh nghiệp mạnh. Tựa như việc chạy đua giữa hai xe A và B trên đường. Nếu đường tốt, xe A có tốc độ cao hơn, chắc chắn sẽ ngày càng bỏ xa xe B. 

Nhưng khi gặp đoạn đường xấu, nhiều ổ gà, lô cốt, cả hai xe đều phải giảm tốc độ, xe B, vốn bị “lép vế” ở đường trường, có thể dễ dàng bám sát xe A. Và sau chặng đường đầy khó khăn này, xe A có thể trở nên rệu rã, không thể đi nhanh được nữa. Khi đó xe B, vốn gọn nhẹ, càng có cơ hội để vượt lên và bỏ xa đối thủ.

Doanh nghiệp khôn ngoan sẽ tranh thủ giai đoạn khó khăn này để giành lấy thị phần từ đối thủ. Trong khủng hoảng, các doanh nghiệp lớn thường cắt giảm ngân sách tiếp thị, đây là cơ hội “ngàn năm có một” cho doanh nghiệp nhỏ gia tăng thị phần.

Trong thực tế, có doanh nghiệp nhỏ khôn khéo, biết nhân cơ hội này, gắng “gồng mình” lên một chút, triển khai các chương trình marketing nhỏ lẻ, đẩy mạnh các hoạt động bán hàng, chăm sóc khách hàng, sẽ dễ dàng giành lấy thị phần từ đối thủ lớn mà trong giai đoạn bình thường rất khó giành được.

Cơ hội xây dựng thương hiệu

Khi chưa có khủng hoảng, các thương hiệu lớn, với ngân sách tiếp thị hùng hậu, thường tung ra các chương trình marketing “bom tấn” để thúc đẩy bán hàng, gia tăng độ nhận biết thương hiệu, đặc biệt là sự nhận biết đầu tiên (top-of-mind awareness).

Các chương trình marketing “bom tấn” ngoài tác dụng hỗ trợ bán hàng, quan trọng hơn, chúng thu hút sự chú ý của khách hàng mới (tăng độ nhận biết) và nhắc nhở khách hàng cũ về sự tồn tại và phát triển không ngừng của thương hiệu. 

Chẳng hạn như cách đây vài năm, cứ nói đến nước uống đóng chai, người ta nghĩ ngay đến La Vie; nói đến bột giặt, người ta nghĩ đến Omo, Tide… Độ nhận biết, trong đó có độ nhận biết đầu tiên, là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, đánh giá sức mạnh của một thương hiệu.

Các thương hiệu nhỏ thường có độ nhận biết rất thấp, một phần do thiếu vắng các chiến dịch truyền thông, phần khác, do bị các thương hiệu lớn lấn át, làm người tiêu dùng không quan tâm, không để ý, hoặc không nhớ đến. Khủng hoảng buộc các thương hiệu lớn bớt “to mồm”, nhờ đó, các thương hiệu nhỏ có thể “lên tiếng” và được nhiều người nghe hơn.

Lợi ích từ việc “lên tiếng” của các thương hiệu nhỏ sẽ cao hơn, trong khi chi phí sẽ thấp hơn. Chính vì thế, các thương hiệu nhỏ nên tranh thủ lúc các “ông lớn” giảm “loa” để lên tiếng “nhẹ nhàng” và gia tăng độ nhận biết, từ đó gia tăng sức mạnh thương hiệu. 

Trong môi trường bớt ồn ào, “tiếng nói nhỏ” của các thương hiệu nhỏ sẽ được nhiều người nghe hơn mà không nhất thiết phải “gào thét” cho tốn sức.

Cơ hội thu hút người tài

Khủng hoảng làm gia tăng thất nghiệp. Nhiều công ty lớn, kể cả công ty có vốn đầu tư nước ngoài bị buộc phải cắt giảm nhân sự. Việt kiều từ nước ngoài cũng đang kéo về nước tìm việc làm. Giá của lao động, kể cả quản lý cấp trung, cấp cao đều giảm. 

Đây là cơ hội để các công ty Việt Nam “mua” vào, đầu tư cho con người; tương tự như đầu tư, mua máy móc thiết bị giảm giá với chất lượng không giảm trong giai đoạn khủng hoảng.

Cơ hội sàng lọc nhà cung cấp

Không chỉ khách hàng, các nhà cung cấp lớn cũng thường có thói quen “làm eo”. Doanh nghiệp Việt Nam nhiều khi phải phụ thuộc vào nhà cung cấp, nhất là các nhà cung cấp nước ngoài. Chẳng thế mà trong mô hình phân tích năm tác lực của Michael Porter (Porter’s Five Forces), có một áp lực không thể bỏ qua là áp lực từ nhà cung cấp. 

Khủng hoảng làm cho các nhà cung cấp bớt “chảnh” và là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp tốt nhất cho mình. Doanh nghiệp còn có thể đàm phán lại giá cả, chất lượng hàng hóa, điều kiện thanh toán, phương thức giao hàng…

Cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm

Khủng hoảng làm giảm sản lượng sản xuất. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có điều kiện “chăm chút” cho chất lượng sản phẩm. Với thời gian và nguồn lực cho phép, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xem xét lại quy trình sản xuất, quy trình tiếp nhận nguyên vật liệu đầu vào, quy trình thí nghiệm, nghiệm thu… để kiểm soát và cải tiến chất lượng sản phẩm. 

Doanh nghiệp cũng có thể tranh thủ giai đoạn “nhàn rỗi” để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc các tiêu chuẩn khác như ISO 14000, HACCP, GMP… mà vốn từ lâu, doanh nghiệp đã có kế hoạch nhưng chưa triển khai được vì quá bận rộn với việc sản xuất, kinh doanh.

Cơ hội bảo trì, nâng cấp máy móc thiết bị

Sản xuất giảm cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian “khám và chữa bệnh” cho máy móc, thiết bị - vốn thường bị “bóc lột” tối đa trong giai đoạn có nhiều đơn hàng. Các chương trình bảo trì, bảo dưỡng định kỳ thường bị lờ đi khi doanh nghiệp có quá nhiều đơn hàng phải giải quyết. Hậu quả là máy móc ngày càng kiệt quệ, dẫn đến chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Khủng hoảng là cơ hội để doanh nghiệp có thời gian chăm sóc sức khỏe cho máy móc, thiết bị.

Cơ hội chăm sóc sức khỏe doanh nghiệp

Khác với sức mạnh, thể hiện qua doanh số, thị phần, thương hiệu, tiềm lực tài chính..., sức khỏe doanh nghiệp thể hiện qua hệ thống quản lý, nguồn nhân lực và môi trường bên trong doanh nghiệp. 

Nhiều doanh nghiệp mải mê chạy theo doanh số, lợi nhuận, quên mất việc xây dựng nền tảng sức khỏe cho mình. Hệ thống quản lý rời rạc, thiếu tính hệ thống, nguồn nhân lực yếu kém, không theo kịp với sự phát triển của doanh nghiệp, môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp có nhiều bất cập, chiến lược kinh doanh được xây dựng tự phát theo cảm tính… khi gặp sự cố dễ làm cho doanh nghiệp bị “đột quỵ”, bất chấp doanh nghiệp đang ở thế lớn mạnh cỡ nào.

Việc “tĩnh tâm” chăm lo cho sức khỏe doanh nghiệp là hết sức cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tư duy và đánh giá lại chính mình, từ đó có kế hoạch nâng cấp sức khỏe để đối phó với khủng hoảng trước mắt cũng như tạo nền tảng sức khỏe lâu dài về sau.

Khủng hoảng đương nhiên là nguy cơ. Nhưng trong khủng hoảng cũng có rất nhiều cơ hội. Nắm bắt được cơ hội trong khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ làm được nhiều việc hơn, với chi phí thấp hơn so với giai đoạn bình thường. 

Khôn khéo trong khó khăn, doanh nghiệp sẽ tạo đà mạnh hơn cho mình khi điều kiện thị trường thuận lợi.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2009

Những thành phố tốt nhất thế giới

Công ty Mercer, chuyên cung cấp trên toàn cầu các dịch vụ tư vấn, tái cấu trúc doanh nghiệp, đầu tư, quản trị nhân sự và tài chính, vừa công bố bản khảo cứu định kỳ hàng năm, xếp hạng chất lượng cuộc sống của các thành phố lớn trên thế giới.

Vienna, thành phố đứng đầu thế giới về chất lượng cuộc sống.

Bản khảo cứu này giúp chính phủ các nước và các doanh nghiệp đa quốc gia có được những dữ liệu thực tế làm căn cứ cho việc điều động nhân viên tới các thành phố đó làm việc, để quyết định mức lương và phí công tác tương ứng với điều kiện sống từng thành phố, nhất là khi nhân viên được điều động phải mang theo cả gia đình con cái. 

Mercer là công ty con của tập đoàn Marsh & McLennan Companies, Inc., (MMC) đăng ký trên thị trường chứng khoán New York, Chicago (Hoa Kỳ) và London (Anh Quốc). Công ty có chừng 25.000 khách hàng toàn cầu, với 18.000 nhân viên làm việc ở 40 nước, mỗi năm tiến hành chừng 600 công trình khảo cứu. Bản xếp hạng chất lượng cuộc sống, được Mercer tiến hành hàng năm cho 420 thành phố hàng đầu thế giới, dựa trên 39 chỉ tiêu đánh giá, chia thành 10 nhóm:

1- Chính trị và môi trường xã hội (ổn định chính trị, tội phạm, thực thi luật pháp...). 

2- Môi trường kinh tế (quy định tỷ giá hối đoái, phục vụ của ngân hàng...).

3- Môi trường văn hóa xã hội (kiểm duyệt, hạn chế tự do cá nhân...).

4- Hệ thống y tế (chăm sóc y tế, bệnh truyền nhiễm, xử lý rác nước thải, tiếng ồn máy bay...).

5- Trường học và hệ thống đào tạo (chuẩn của trường, khả năng tham gia trường quốc tế...).

6- Mạng lưới dịch vụ và giao thông công cộng (điện nước, giao thông công cộng, mức quá tải...).

7- Nghỉ ngơi, giải trí (tiệm ăn, nhà hát, rạp chiếu phim, thể thao, cơ sở nghỉ dưỡng...).

8- Hàng tiêu dùng (khả năng mua các mặt hàng thực phẩm, đồ dùng hàng ngày, ô tô...).

9- Nhà ở (chất lượng nhà, dụng cụ, đồ gỗ, sửa chữa...).

10- Môi trường (khí hậu, tình hình thiên tai...).

Danh sách xếp hạng được lập theo phương pháp cho điểm từng chỉ tiêu trong 10 nhóm trên, lấy thành phố New York làm mốc so sánh 100 điểm, rồi tính ra phần trăm so với New York. Mỗi nước có một bảng tổng hợp riêng tất cả các kết quả trên; nhờ đó có thể tính ra mức lương phải trả cùng công tác phí khi gửi nhân viên tới làm việc tại quốc gia khác, trên cơ sở lấy lương và công tác phí của New York làm chuẩn tính toán.  

Năm nay, danh sách xếp hạng của Mercer được điều chỉnh cho 215 thành phố. Theo đó Vienna (Áo) đạt 108,6 điểm đứng đầu bảng và Bagdad (Iraq) với 14,4 điểm đứng chót. Hà Nội từ năm 2002 vẫn giữ 58 điểm so với New York, xếp hạng 160 và thành phố Hồ Chí Minh 61 điểm đứng thứ 150. 

Một đề tài phụ trong khảo cứu là xếp hạng chất lượng hạ tầng cơ sở và giao thông vận tải của các thành phố khảo cứu. Năm nay, đứng đầu là Singapore, kế tiếp là Copenhagen, cuối bảng vẫn là Bagdad (Iraq).

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)



Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

Cái gì NHỎ mà LỚN?

- Tôi đố anh bộ phận nào trong máy tính, bình thường thì nhỏ thôi, nhưng khi hữu sự thì mới thấy nó lớn?
Nghe anh bạn mình đố như vậy, Hai Ẩu thấm ý, cười hí hí và trả lời ngay:
- Hí hí, anh có lộn không, trong cơ thể người hay là trong máy tính? Theo tôi thì nó là… hí hí… là… con chuột!
Anh bạn cũng cười, và chỉnh lại câu đố:
- Anh suy nghĩ lệch lạc quá, để tôi đố lại cho rõ ràng hơn: Trong máy tính, bộ phận nào là có giá thấp, gần như là thấp nhất, nhưng lại có ảnh hưởng quan trọng nhất đến máy tính?
Rồi không để Hai Ẩu kịp suy nghĩ, anh ta trả lời luôn:
- Không phải con chuột, không phải bàn phím… những thứ đó giá thấp thiệt, nhưng lỡ có hư thì quăng đi, mua cái mới. Cũng không phải con CPU hay cái đĩa cứng, vì những thứ này giá cao. Đó chính là bộ nguồn của máy tính!
Trong hầu hết các máy tính trên thị trường hiện nay, trị giá của bộ nguồn chỉ khoảng 10 USD. Thế nhưng vai trò của nó là gì? Là cung cấp nguồn điện năng ổn định để duy trì hoạt động của toàn bộ hệ thống máy tính. Nếu ví con CPU là bộ não của máy tính, thì bộ nguồn là trái tim, chính nó cung cấp dòng máu (điện năng) nuôi các bộ phận khác trong cơ thể máy tính.
Bộ nguồn hư, máy tính không chạy được. Bộ nguồn mà dỏm, thì không những không đủ điện cung ứng cho các bộ phận của máy tính, mà còn gây ra hư hỏng cho những thứ mắc tiền hơn nó đến cả chục lần, như mainboard, ổ đĩa cứng…
NHỎ mà LỚN là như vậy đó, anh ạ!
Hai Ẩu gật gù ra vẻ hiểu biết, trong khi anh bạn tiếp tục giảng giải:
- NHỎ mà LỚN còn ở chỗ này nữa. Trong các bộ nguồn đầy dẫy trên thị trường, công suất thật chỉ cỡ 200 - 250W hoặc thấp hơn nữa, nhưng trên nhãn vẫn ghi là 450W - 500W. Người bán vẫn tỉnh bơ gọi rằng đây là bộ nguồn 500W, người mua vẫn tỉnh bơ chấp nhận, mặc dù cả đôi bên đều biết tỏng rằng công suất thật của nó chỉ bằng nửa con số đó mà thôi. NHỎ mà LỚN là như vậy đó, anh ạ!
Hai Ẩu hăng hái góp chuyện:
- Ôi chà, chuyện này đâu có gì mới, đâu có gì lạ! Nó cũng giống… bệnh thành tích trong ngành giáo dục xứ ta thôi. Học sinh thì học bê bết, học cấp 2 mà chưa biết đánh vần, thi đại học thì rớt te tua, thế nhưng vẫn được xếp loại là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Lớp nào, trường nào cũng có tỷ lệ học sinh giỏi trên 90%. Học sinh dở ẹc được xếp loại là học sinh giỏi, học sinh trung bình được xếp loại là học sinh xuất sắc, vậy bộ nguồn có công suất thật 200W được dán nhãn là công suất 500W đâu có gì đáng ngạc nhiên. Chuyện NHỎ!
Anh bạn đồng ý ngay, và "bình loạn":
- Đúng là chuyện NHỎ, nhưng thử nghĩ mà xem, từ việc ghi công suất bộ nguồn máy tính đến việc xếp loại học sinh, đến tất tần tật mọi việc khác người ta đều quen với việc phóng đại khả năng thật sự, xem việc khoác lác phô trương là chuyện NHỎ, chuyện bình thường, thì đó quả là chuyện LỚN rồi. NHỎ mà LỚN là như vậy đó, anh Hai Ẩu ạ!
(Theo eChip)

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Sân bay 'ma' tại Hàn Quốc

Phi trường quốc tế Yangyang xây hoành tráng mới 7 năm trước ở phía đông Hàn Quốc, nhưng đang phải vật lộn tìm lý do tồn tại. Bạn không thấy bất cứ chuyến bay trì hoãn hay dòng người rồng rắn nơi đây, vì đơn giản không có hành khách nào ở sân bay rộng lớn này.

Sân bay Yangyang xây hết 400 triệu USD mỗi ngày phục vụ 26 hành khách. Ảnh: BBC.

Sân bay Yangyang có chi phí đầu tư xây dựng gần 400 triệu USD, được thiết kế để đón tiếp tới 3 triệu lượt hành khách mỗi năm bằng những sảnh đến và đi hiện đại, bóng loáng. Nhưng trong năm ngoái mỗi ngày trung bình chỉ có 26 hành khách qua lại phi trường này, trong khi số nhân viên sân bay phục vụ họ là 146 người.

Chuyến bay thương mại gần đây nhất cất cánh từ sân bay Yangyang được thực hiện từ đầu tháng 11 năm ngoái. Cảnh tượng hoang vắng với những hàng ghế sạch sẽ nhưng thiếu bóng người khiến báo chí Hàn Quốc gọi đây là "sân bay ma", một điển hình ấn tượng cho việc đánh giá quá lớn nhu cầu thực tế. 

Tuy nhiên Yangyang vẫn không phải là ví dụ duy nhất về các sân bay "vắng như chùa Bà Đanh" tại Hàn Quốc. Nếu có giải thưởng cho các sân bay quốc tế yên tĩnh nhất thế giới, chắc chắn sẽ có phi trường ở quốc gia Đông Á này góp mặt. Xa hơn về phía tây nam Hàn Quốc có một sân bay quốc tế khác còn mới hơn nhưng chịu chung cảnh ngộ là Muan.

Sân bay quốc tế Muan mới khai trương chưa đầy hai năm trước và dù có một vài chuyến bay cất hạ cánh, phi trường này vẫn đang đứng bên bờ vực đóng cửa. Mọc lên giữa những cánh đồng trồng hành, phi trường này không có dấu hiệu gì cho thấy là một trạm hàng không thịnh vượng. Cảnh tượng bên trong cũng yên bình không kém các ruộng hành, với những quầy làm thủ tục trống trơn. Năm ngoái số hành khách qua sân bay Muan đạt chưa đầy 3% so với công suất thiết kế.

Mạng lưới sân bay dày đặc tại Hàn Quốc. Những sân bay có biểu tượng sáng là làm ăn có lãi, biểu tượng tối là thua lỗ. Ảnh: BBC.

Cũng như nhiều nơi khác, các dự án xây sân bay được coi là động lực để thúc đẩy nền kinh tế địa phương, thu hút du khách và kết nối địa phương với nền kinh tế rộng lớn bên ngoài. Nhưng các nông dân và ngư dân sống gần các sân bay "ma" nói trên có thể đang đặt câu hỏi liệu đây có phải là sự đầu tư đáng đồng tiền bát gạo hay không.

Hàn Quốc có tổng cộng 14 sân bay và số liệu thống kê năm ngoái cho thấy 11 phi trường trong số này làm ăn thua lỗ. Trong bối cảnh đó, điều tất yếu đối với sân bay thứ 15 đang được xây mới ở bờ biển phía đông Hàn Quốc là phải đình chỉ thi công dù đã hoàn tất 80%. Hiện còn có cuộc tranh cãi về tính sáng suốt đối với kế hoạch xây thêm một sân bay nữa, có thể nằm gần thành phố cảng miền nam Busan. 

Một trong những lý do khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong nội địa Hàn Quốc thấp là sự phát triển của hệ thống đường sắt cao tốc, cho phép hành khách có thể đi từ đầu đến cuối nước này mất chưa đến 3 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó là mạng lưới đường cao tốc mới thuận tiện được xây dựng.

Theo một tờ báo Hàn Quốc, các sân bay địa phương được xây ở nước này "là vì lý do chính trị hơn là logic kinh tế thị trường". Mạng lưới hành động của Công dân Hàn Quốc, một tổ chức chuyên giám sát chi tiêu của chính phủ thì cho rằng, hàng trăm triệu USD đã bị đầu tư hoang phí vào các đường băng và nhà ga sân bay, vì đơn giản chúng không hề cần thiết.

Phát ngôn viên của tổ chức trên là Choi In-wook đánh giá: "Để thu hút phiếu bầu, các chính trị gia cam kết với các khu vực bầu cử của họ về việc xây dựng một sân bay. Nhưng thay vì tính đến nhu cầu một cách cẩn thận, các nghiên cứu khả thi lại có thể bị bóp méo để hậu thuẫn cho các dự án xây sân bay. Hậu quả là có sự bội thực về số lượng sân bay ở đất nước này".

(Theo VnExpress)

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

10 chuyện ít biết về Hubble

Tàu con thoi Atlantis của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang có sứ mệnh quan trọng, sửa chữa và nâng cấp kính viễn vọng không gian Hubble trên quỹ đạo. Trong 19 năm qua, Hubble đã gửi về nhiều hình ảnh ấn tượng, giúp các nhà khoa học hiểu biết rõ hơn về vũ trụ. Nhưng có nhiều chuyện liên quan Hubble không phải ai cũng biết...

1. Khởi đầu thất bại: “Kính viễn vọng của mọi người” này từng được xem đã thất bại sau khi phóng lên vào tháng 4-1990. Một vết xước mảnh như sợi tóc ở gương chính đã cản trở hội tụ ánh sáng chính xác, do đó các ảnh gửi về đều bị mờ. Các nhà khoa học NASA lúc đó từng nói thế là “thua” nhưng đến tháng 12-1993, sứ mệnh con thoi đầu tiên lên sửa Hubble đã thành công. Sứ mệnh phức tạp nhất này phải trải qua 11 tháng huấn luyện trước khi tiến hành.

2. “Nhà khai phá các vì sao xa xôi”: Đó là cách gọi của Bưu điện Mỹ khi phát hành con tem đặc biệt 41 cent kỷ niệm nhà thiên văn Edwin Hubble năm 2008. Tuy nhiên, lúc đầu Hubble đã không chọn nghiên cứu thiên văn. Ông sinh ở Missouri năm 1889, học dở dang toán và thiên văn rồi chuyển qua nghiên cứu luật ở Đại học Oxford. Chuyển đến Kentucky để thực hành luật nhưng Hubble lại bị vũ trụ thu hút mạnh và đã trải qua phần lớn cuộc đời ở Đài thiên văn Wilson, California. Ông có nhiều phát hiện nhưng đáng chú ý nhất là phát hiện khi các thiên hà càng ở xa nhau, chúng càng di chuyển rời nhau nhanh hơn. Từ đó, Hubble kết luận vũ trụ giãn nở đều. Kính viễn vọng không gian Hubble có một mục tiêu là tính toán tốc độ giãn nở này (gọi là “hằng số Hubble”).

3. Kích thước chỉ trung bình: To bằng chiếc xe buýt, Hubble tưởng lớn nhưng các nhà khoa học nói chỉ mới cỡ trung bình của kính viễn vọng. Gương chính của Hubble có đường kính 2,4m, nhỏ hơn nhiều so với 10,3m của kính viễn vọng lớn nhất thế giới Great Canary Telescope trên đảo La Palma, quần đảo Canary, hay 7,6m của kính viễn vọng Keck ở Mauna Kea, Hawaii. Tuy nhiên, Hubble “lớn hơn” ở chỗ đặc tính quang học và thiết kế cho phép sửa chữa ngay trong không gian. Điều quan trọng nhất, Hubble nằm ngoài bầu khí quyển trái đất, cho phép nhìn xa hơn và rõ hơn.

4. Đi hơn 4,82 tỷ kí lô mét: Mỗi 96 phút, Hubble quay trọn một vòng quỹ đạo quanh trái đất, với tốc độ khoảng 8km/giây. Đến nay Hubble đã quay quanh trái đất hơn 100.000 lần, tổng cộng đã đi hơn 4,82 tỷ kí lô mét, bằng khoảng cách từ trái đất đến sao Diêm vương.

5. Không thể “nhìn” trực tiếp vào mặt trời: Hubble đã chụp ảnh mọi hành tinh trong hệ mặt trời, ngoại trừ sao Thủy. Lý do là sao này ở gần mặt trời nhất nên nếu chụp ảnh, ánh sáng mặt trời sẽ làm hỏng các thiết bị quang học và điện tử trên Hubble.

6. Giữ ảnh một năm mới công bố: Trong 19 năm hoạt động, Hubble có khoảng 880.000 quan sát và chụp 570.000 hình ảnh vũ trụ. Các nhà khoa học giữ những ảnh này một năm cho các dự án nghiên cứu trước khi công bố rộng rãi. Việc công bố sớm hơn hiếm khi xảy ra do lĩnh vực nghiên cứu vốn có nhiều cạnh tranh.

7. Chia sẻ thời gian với Hubble: Một ủy ban quốc tế các nhà khoa học nổi tiếng ở Viện Khoa học kính viễn vọng không gian xem xét các đề nghị do các nhóm từ khắp thế giới đệ trình rồi phân loại theo những vấn đề quan trọng. Giám đốc viện sẽ quyết định cuối cùng về việc chia sẻ thời gian làm việc với Hubble. Một số nhóm có thể chỉ được vài phút làm việc với Hubble nhưng nó cũng rất giá trị.

8. Ngôi sao Hollywood: Hubble là một biểu tượng văn hóa đại chúng. Bản thân kính Hubble và các hình ảnh chụp được từng tham gia phim Hollywood và show truyền hình. Trong phim Naked Gun 2 1/2 năm 1991, Hubble là trò cười vì thất bại. Hình ảnh do Hubble chụp từng xuất hiện trong các phim Happy Feet và Contact. Bìa album Binaura của Pearl Jam năm 2000 dùng một ảnh tinh vân do Hubble chụp.

9. Tác phẩm nghệ thuật: Ngoài ý nghĩa khoa học, nhiều hình ảnh do Hubble chụp còn đẹp đến mức kinh ngạc nên không chỉ xâm nhập Hollywood, nhiều hình ảnh Hubble còn vào bảo tàng nghệ thuật. Năm ngoái Bảo tàng Nghệ thuật Walters ở Baltimore trưng bày hơn 20 ảnh ấn tượng do Hubble chụp.

10. Thời hoàng kim sắp qua: Hubble còn hoạt động 5 năm nữa trước khi kính viễn vọng không gian James Webb (JWST, theo tên giám đốc thứ nhì của NASA James E. Webb) dự kiến được NASA phóng lên vào năm 2014. JWST có gương 6,5m và panel năng lượng mặt trời to bằng sân tennis. Hubble khiêm tốn ở quỹ đạo 560km nhưng JWST sẽ ở quỹ đạo cách trái đất 1,6 triệu kí lô mét, có thể quan sát những thiên hà xa xôi nhất và cung cấp thông tin về những thời khắc đầu tiên của vũ trụ.

(Theo SGGP)

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

Thần đồng - họ là ai khi đã trưởng thành?

Tuần trước, nhật báo Daily Mirror của Anh đã đưa tin cô bé Elise Tan Robert hơn 2 tuổi, vừa mới biết đi đã trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất của Mensa, một câu lạc bộ những người thông minh nhất thế giới với chỉ số IQ là 156, vượt qua cả nữ doanh nhân nổi tiếng Carol Vorderman với 2 điểm chênh lệch.  

Sự kiện này đã gây chấn động nước Anh và người ta đã đặt ra câu hỏi: “Liệu sau này cô bé Elise sẽ có một tương lai tươi sáng? Phải chăng, những em bé được xem là “thần đồng” sẽ đều là những tài năng xuất chúng khi trưởng thành?"

Dưới đây là một số thần đồng khác ở Anh có chỉ số thông minh rất cao. Tuy nhiên, sau khi xem xét, các chuyên gia đều khẳng định: Không phải tất cả các thần đồng đều phát triển đúng như những gì họ được kỳ vọng.

Andrew Halliburton, IQ 145: Hiện đang làm việc trong một cửa hàng của McDonald’s

Khi còn nhỏ, cậu bé Andrew được xem là một thần đồng toán học. Giáo viên của cậu còn đoán rằng sau này cậu sẽ cực giỏi trong lĩnh vực máy tính hay ngân hàng.

Khi học tiểu học, Andrew đã rất thông minh, vì vậy giáo viên đã phải sắp cho anh một chỗ ngồi riêng ở giữa lớp, cách ly khỏi các bạn và phải làm những bài kiểm tra khác, khó hơn bài của các bạn. Sau đó, năm lên 8 tuổi, hiệu trưởng đã phải xếp cho anh học toán tại một trường cấp hai. 

Năm 11 tuổi, Andrew đạt điểm B trong chương trình GCSE (tương đương với lớp 10 ở Việt Nam). Năm 14 tuổi, cậu đạt điểm A trong các bài kiểm tra toán ở trình độ A-Level (tương đương với lớp 11 và 12 ở Việt Nam) của Scotland.

Sau đó, anh tiếp tục học chương trình máy tính tại Trường Đại học Dundee – nhưng bỏ học giữa chừng sau sáu tháng. Anh nói: “Tôi cảm thấy chán không thể tả được vì vào đó tôi chỉ học lại những điều mà tôi đã biết, nên tôi đã bỏ học và đi làm bồi bàn trong một quán McDonald với mức lương 8,5 đô la/giờ”.

Anh nói với phóng viên của tờ Daily Mirror: “Tôi thực sự không biết mình muốn làm gì nữa. Tôi cảm nhận thấy điều này cách đây 4 năm rồi. Những gì tôi đang làm hiện nay là rất tốt nhưng tôi vẫn cảm thấy không hợp lắm với công việc này, mặc dù tôi hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống của mình. Tôi nghĩ tôi phải học thêm tiếng Anh”.

Andrew hiện 22 tuổi, sống ở Dundee, Scotland với bạn gái Lynn Connor, 21 tuổi và làm việc trong cửa hàng McDonald. Anh tâm sự: "Ngày còn nhỏ, các bạn đồng trang lứa đều gọi tôi là thần đồng, mỗi lần như thế tôi đều nói: “Xin đừng gọi tôi như thế, tôi không thích đâu”".

Andrew tin rằng, kinh nghiệm của anh là một bài học cho Elise và cha mẹ cô bé. Anh nói: “Cha mẹ và chị gái tôi đều nghĩ rằng lớn lên tôi sẽ là một người rất có địa vị và rất thành đạt, nhưng tôi lại là một người rất bình thường. Nên để bé Elise có được một cuộc sống thật bình thường, đừng gây sức ép cho cô bé”. 

Jeremy Roberts - chán nản vì luôn đứng đầu lớp

Mới lên 3, cậu bé Jeremy Roberts sinh ra ở Watford đã tỏ ra là một người rất thông minh đến nỗi mà các cô giáo ở trường mẫu giáo cậu theo học còn thường xuyên nhờ cậu sửa máy tính hộ mỗi khi chúng bị hỏng.

Jeremy cười nhớ lại: “Có một lần, một giáo viên khác nhờ cô giáo của tôi đi tìm một người có tên là Jeremy đến sửa máy tính hộ và cô ấy đã há hốc miệng kinh ngạc khi nhìn thấy người ấy chính là tôi, một đứa bé 3 tuổi”.

“Tôi đã từng rất chán nản vì tôi luôn đứng ở vị trí số 1 ở tất cả các cấp học”, Jeremy nói.

Năm 17 tuổi, anh đến Jerusalem học và đã thi kết thúc chương trình phổ thông với những điểm số tuyệt đối.

Hiện tại anh mới 20 tuổi và học luật ở Trung tâm nghiên cứu Jewish ở Florida. “Tôi rất vui với cuộc sống hiện tại”, Jeremy nói.

Adam Dent, học hóa tại Trường Đại học Oxford năm 14 tuổi

Tuổi 14, Adam đã được học chương trình hóa học tại Đại học Oxford, nhưng một năm sau đó, tức năm 1995, cậu đã bỏ học vì bị buộc tội quấy rối tình dục một sinh viên lớn tuổi hơn. Sau đó, Adam đã được tuyên bố trắng án.

Adam đạt được tấm bằng Đại học Mở ở Iceland, sau đó quay lại Đại học Oxford và tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành hóa học năm 2002. 

Adam, đến từ Aylesbury, Bucks hiện đang là một quản trị công nghệ thông tin, nói rằng: “Là thần đồng cũng tốt, nhưng đó là một con dao hai lưỡi. Nó có thể mang đến tai họa nhưng cũng có thể mang lại những điều kỳ diệu”.

Terence Judd, thần đồng âm nhạc

Terence Judd được biết đến là một trong những tài năng âm nhạc lớn nhất nước Anh. Nhưng đáng buồn là có rất ít các bản nhạc của anh được thu âm lại trước khi anh tự tử, ở tuổi 22.

Được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố mẹ đều là nhạc sĩ, Terence đã phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc. 10 tuổi, cậu bé đã giành giải trong cuộc thi Junior Pianoforte quốc gia và xuất hiện trên sân khấu dàn nhạc giao hưởng của London hai năm sau đó.

18 tuổi, anh đạt giải nhất trong cuộc thi Liszt Piano của Anh, nhưng năm 1979, anh đã nhảy xuống Beachy Head, địa điểm ở bờ biển phía nam nước Anh tự vẫn. Ngày nay, người ta đã lập nên giải thưởng mang tên anh, trao hai năm một lần cho những nghệ sĩ dương cầm nhỏ tuổi và giỏi nhất nước Anh.

Ganesh Sittampalam, thần đồng toán học. 


Năm 1987, lên 8 tuổi, Ganesh Sittampalam đã đạt điểm cao nhất trong bài kiểm tra môn toán trình độ O-level (tương tương lớp 10 ở Việt Nam) và một năm sau, năm 1988, cậu lại đạt điểm A môn toán trong khóa A-level.

Xuất thân từ Surbiton, Surrey, năm 1992, 13 tuổi, Ganesh tốt nghiệp Trường Đại học Oxford với tấm bằng loại ưu chuyên ngành Toán học. “Tôi rất tự hào và vui vì đã đạt được tấm bằng đó chứ không phải vui vì tuổi tôi nhỏ mà tôi đã làm được những điều mà mọi người cho là phi thường”. 

Năm 20 tuổi, anh lấy bằng thạc sĩ về máy tính và một bằng tiến sĩ về lập trình. Hiện nay, ở tuổi 30, anh làm việc tại Tập đoàn Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse và sống ở Đại học Oxford với vợ, Amanda. Tháng 9/2008, họ đã có một cậu con trai, Alexander.

Ruth Lawrence, Tốt nghiệp Trường Đại học Oxford năm 13 tuổi

Ruth đạt được điểm A môn toán trình độ A-level năm 9 tuổi, nhận tấm bằng loại ưu của trường Oxford năm 1985 khi chỉ mới 13 tuổi và là sinh viên năm nhất của Trường Đại học Harvard lúc 19 tuổi.

Ruth xuất thân từ Huddersfield, chuyển đến Israel năm 1998.

Bây giờ, cô làm việc tại Trường Đại học Hebrew ở Jerusalem, đã kết hôn và có hai con. Cô nói: “Tôi muốn các con tôi được phát triển một cách tự nhiên”.

(Theo VietnamNet)

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

12 mẫu điện thoại vô duyên nhất

"Xấu xí" và "vô duyên" chỉ là hai từ mở màn để mô tả về sai lầm trong thiết kế của những mẫu điện thoại di động dưới đây. Chúng thậm chí còn thiếu cả những bộ phận hết sức cơ bản như bàn phím và màn hình nữa. Và đương nhiên, sử dụng chúng không khác gì một cơn ác mộng.

Thọat nhìn, một số model dưới đây sở hữu ngoại hình rất tuyệt, thời trang và độc đáo. Nhưng trên thực tế, bạn không thể dùng chúng như-điện-thoại được. Một số khác cũng có tính năng hay hay đấy, nhưng thiết kế lại quá xấu. Cá biệt, có một số model thất bại trong cả hai lĩnh vực: ngoại hình lẫn tính năng.

1. Bang & Olufsen Serene

Được tung ra thị trường vào năm 2006, chiếc điện thoại Bang & Olufsen là thí dụ kinh điển cho một người đẹp "chỉ có sắc nhưng trí tuệ bằng 0". Đây là một sản phẩm thích hợp xuất hiện trong viện bảo tàng nghệ thuật hơn là túi quần của bạn. Hơn nữa, với mức giá trên 1000 USD, thật khó để tưởng tượng ai sẽ sở hữu Serene. 

Thiết kế nổi bật của Serene là bàn phím số hình tròn kiểu như iPod. Màn hình được đặt ngay dưới bàn phím để "không bị dính bụi và mồ hôi" từ mặt người dùng. Tệ nhất là việc Bang & Olufen quyết định bố trí camera ở mặt bên của điện thoại. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn xem trước hình ảnh định chụp trên màn hình Serene, sẽ không có cách nào để bạn vừa đối mặt với một người vừa chụp họ cả.

2. Samsung P300


Có thể nói, "con dế" này trông giống một chiếc máy tính bỏ túi của Casio hơn là điện thoại di động. Xuất xưởng từ năm 2006, P300 được trang bị khá nhiều tính năng thuộc loại tuyệt bấy giờ như camera, lưu trữ tạm ổn và vỏ metal dày 9mm. Nhưng chẳng ai lại muốn tự biến mình thành thằng hề khi gọi điện bằng máy tính bỏ túi cả (ít nhất là trong mắt người khác)?

3. Motorola ROKR E1

Trước khi iPhone ra đời, nếu bạn muốn sở hữu một mẫu điện thoại di động có sự "nhúng tay can thiệp" của Apple thì ROKR E1 chính là sự lựa chọn duy nhất. Xuất xưởng từ năm 2005, con dế này là đứa con "lạc loài" của cuộc hôn nhân không hạnh phúc giữa Apple với Motorola. 

E1 là một trong những chiếc điện thoại đầu tiên trên thị trường kiêm nhiệm tính năng của máy nghe nhạc MP3, cho phép bạn lưu gần 100 ca khúc khác nhau. Tuy nhiên, RORK gục ngã chính là vì nó đã được thổi phồng và kỳ vọng một cách thái quá trước ngày ra mắt. 

Dân tình háo hức khi nghe tin Motorola liên minh với Apple, nhưng thay vì một chiếc điện thoại lai iPod sành điệu, người dùng chỉ nhận được một chiếc điện thoại màu trắng, vỏ nhựa, cồng kềnh và không có gì đặc sắc.

4. Nokia 7380


Phải công nhận hình thức của Nokia 7380 rất đẹp, rất thời trang. Nhưng nếu phải nhắn một tin SMS khẩn cấp tới cho ai đó, chắc bạn sẽ cảm thấy cái chết còn dễ dàng hơn. 

Với hình dáng như một thỏi son hoặc một hộp bút chì long lanh, Nokia 7380 là một trong những mẫu điện thoại khó sử dụng nhất mà loài người từng sản xuất. Điều duy nhất bạn có thể thực hiện được một-cách-bình-thường với "con dế" này là trả lời các cuộc gọi đến. 

Hẹp và dầy, 7380 không có bàn phím đúng nghĩa. Bên cạnh đó là màn hình bằng gương nhỏ xíu, hoàn toàn tối đen bên ngoài ánh sáng mặt trời hoặc khi ở cạnh các nguồn sáng mạnh khác. 

Ngoài việc đánh đố người dùng bằng cách bắt họ nhắn tin trên bàn phím tròn kiểu iPod, bộ nhớ của 7380 chỉ dừng lại ở 52MB (không có khe cắm thẻ nhớ hỗ trợ). Bạn sẽ chẳng thể lưu nổi vài bức ảnh được chụp từ chiếc camera 2 chấm của điện thoại hay vài ca khúc để thưởng thức trên máy nghe nhạc tích hợp.

5. Sony Ericsson W350 Walkman

Mong manh là từ thích hợp nhất để mô tả về Sony Ericsson W350 Walkman khi "con dế" này được công bố hồi năm ngoái. Nhắm tới giới trẻ và đáp xuống phân khúc "nghe nhạc bình dân", W350 không thể chịu đựng được sự va đập, mồ hôi và nước mắt của dân teen - dù lẽ ra nó cần phải như thế. 

Không lâu sau khi W350 được bày bán trên các kệ hàng, chủ nhân của chúng bắt đầu than phiền trên mạng Internet rằng "con dế" siêu mỏng này dễ dàng rời ra từng mảnh theo đúng nghĩa đen. Bên trên bàn phím của W350 là một lớp vỏ bảo vệ mà mỗi khi trượt lên trượt xuống lại lắc lư, chao đảo và run rẩy như bà lão. Tệ hơn cả, phần nắp pin dễ dàng rơi mất bất cứ lúc nào.

6. Nokia E90 Communicator


Đôi khi, to hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn, nhất là với ĐTDĐ. 

E90 Communicator của Nokia trình làng vào năm 2007 với mức giá "muốn ngất": trên 1000 USD. Kể cả so với thị giá bây giờ thì nó vẫn quá đắt. Sẽ không ngoa nếu gọi đây là một con khủng long và hiếm người nào có thể nhét vừa nó vào trong túi (E90 dày 20mm và nặng hơn 230 gram). 

Các tính năng của E90 thực ra cũng khá tuyệt và phong phú với HSDPA siêu tốc, Wi-Fi, camera 3,2 chấm có đèn flash và quay được video, một màn hình bên trong hoành tráng, bàn phím QWERTY, Bluetooth, đài FM, email di động và định vị GPS. Tuy nhiên, E90 vẫn bị chê vì thiếu jack cắm tai nghe 3,5 mm chuẩn.

7. The Siemens Xelibri Line


Tất cả các mẫu điện thoại Xelibri của Siemens đều trông kỳ cục và xấu xí tới mức chúng được góp mặt đầy đủ trong danh sách này. Đáp xuống thị trường từ năm 2003, làn sóng Xelibri đầu tiên được nhà sản xuất quảng cáo là thiết bị người dùng không thể không có.
 
Nhưng thật buồn, dư luận đã thẳng tay chỉ trích Siemens vì không thể đưa ra được một chiếc điện thoại cho đúng nghĩa. Kết quả ư? Nhãn hiệu Xelibri chỉ tồn tại được vẻn vẹn 18 tháng trước khi chết hẳn.

8. Toshiba G450

Một thiết bị mà bạn không biết nên gọi nó là gì nữa. G450 là sự kết hợp của modem băng thông rộng USB, ĐTDĐ với lưu trữ di động. Nhưng ý định cho ra đời một thiết bị tất cả trong một của Toshiba đã rơi tõm vào thất bại, khi G450 là minh chứng cho thấy: "càng ít thì càng tốt". 

Với bộ nhớ trong chỉ có 160MB, G450 còn lâu mới có thể trở thành thiết bị lưu trữ di động. Màn hình bé tí và bàn phím chia đôi một cách kỳ cục khiến cho chức năng ĐTDĐ cũng bất khả thi không kém. 

Rốt cục, Toshiba G450 chỉ làm tốt được mỗi chức năng modem băng rộng không dây khi hỗ trợ các kết nối 3G, HSDPA, EDGE và GPRS.

9. Samsung Bang & Olufsen Serenata

Bang & Olufsen đã bắt tay với Samsung để tạo ra một mẫu điện thoại mới có tên Bang & Olufsen Serenata. Được phát hành vào năm 2007, Sereneta có thiết kế cũng xa rời thực tế y như kẻ tiền nhiệm của nó (điện thoại Serene) vậy. 

Vẫn là thiết kế kỳ quái đó khi màn hình nằm dưới bàn phím hình tròn. Nơi mà lẽ ra nên đặt bàn phím thì đã được thay bởi loa âm thanh vòm chất lượng cao. 

Mặc dù vậy, Serenata cũng có một vài ưu điểm như bộ nhớ 4GB hào phóng, kết nối 3G siêu tốc, màn hình TFT 256.000 màu, USB 2.0 và hỗ trợ Bluetooth A2DP. Tuy nhiên, Serenata không có máy ảnh số tích hợp và giá bán của nó lên tới 2000 USD.

10. Virgin Mobile Lobster 700TV

Ai cần giết thời gian bằng việc chơi game trên điện thoại khi bạn đã có Lobster700 TV Phone của mạng Virgin Mobile trong tay cơ chứ? Tên gọi của mẫu điện thoại này lấy cảm hứng từ hình dáng giống như tôm hùm của nó, nhưng thành công của Lobster thì đúng chỉ bằng ... con tép. 

Rất nhanh chóng, Lobster biến mất khỏi các kệ hàng và dịch vụ TV di động đi kèm của Virgin Mobile cũng đóng cửa kể từ tháng 1/2008.

11. Compulab Exeda

Chạy được cả hai hệ điều hành Windows và Android, bạn tưởng rằng Exeda cũng khá tân thời và bám sát thời đại đây. Hình dáng của nó khiến bạn nhớ tới Palm Treo nhưng bàn phím quá chật chội, bức bối và tức mắt. Dù vậy, điểm được của Exeda là nó trang bị màn hình cảm ứng, hỗ trợ cả GSM lẫn CDMA, kết nối Wi-Fi, Bluetooth, cổng ethernet, tích hợp máy ảnh số 2 chấm và khe cắm thẻ nhớ microSD. 

Mặc dù website của Compulab tuyên bố rằng Exeda sẽ bắt đầu xuất xưởng từ đầu tháng 5 nhưng tới thời điểm này, người dùng vẫn chưa thấy tăm hơi nó đâu. Không rõ mẫu dế "xấu xí" này sẽ có giá bán là bao nhiêu.

12. Vertu Bucheron Cobra



Vertu Bucheron Cobra chính là mẫu điện thoại đứng đầu về thiết kế xấu, nhất là khi giá bán của nó cao một cách kỳ cục: 310.000 USD. 

Chỉ có 8 chiếc điện thoại Cobra được bán ra trên toàn thế giới, và Nokia nghĩ rằng giới quý tộc sẽ phát cuồng vì thiết bị xa xỉ này. Được bao bọc bởi một con rắn hổ mang bằng vàng, khảm 430 viên rubi, 2 viên kim cương và 2 đôi mắt bằng ngọc bích, đảm bảo là tay bạn sẽ run bắn mỗi khi phải lôi "con dế" này ra khỏi túi để dùng. 

Một phiên bản khác "vừa túi tiền" hơn (chỉ có 115.000 USD) thay rắn hổ mang bằng mãng xà. Tuy nhiên, bạn đừng trông mong gì về tính năng ở cả hai phiên bản: Không có camera, không có Bluetooth, không máy nghe nhạc!. Chỉ có đá quý và đá quý mà thôi.
 

(Theo VietnamNet - PC World)