Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

Hà Nội thêm một đoạn đường kỷ lục đắt nhất hành tinh!

4 năm trước, 1.080m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (vành đai I Hà Nội) riêng tiền giải phóng mặt bằng đã "ngốn" chừng 600 tỉ đồng, được mệnh danh là "con đường đắt nhất hành tinh", thì nay đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu cũng nằm trong vành đai này chỉ 547m đường riêng tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư là hơn 527 tỉ!

Như vậy, với chiều dài toàn tuyến chỉ bằng một nửa đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, "bậc hậu sinh" Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu lại "ngốn" khoản chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư xấp xỉ "bậc tiền bối" của mình, phá kỷ lục về đoạn đường đắt nhất hành tinh tại Hà Nội!

Như đã đưa tin, năm 2008, riêng khâu chuẩn bị đầu tư đoạn đường hơn nửa cây số này chủ yếu bao gồm các hạng mục: khảo sát, đo đạc, thỏa thuận qui hoạch, cắm mốc giới, điều tra, lấy mẫu, lập báo cáo... và một số chi phí lập, thẩm định dự án và thiết kế cơ sở, công bố qui hoạch... đã tốn tới 815 triệu đồng, được UBND TP Hà Nội duyệt chi theo dự toán của Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng CCIC.

Khi đó, đoạn đường này được khái toán đầu tư sẽ tốn khoảng 468 tỉ đồng, trong đó xây lắp và thiết bị chiếm hơn 44 tỉ, đền bù giải phóng mặt bằng 377 tỉ và hơn 46 tỉ chi phí dự phòng, chi phí khác... hoàn toàn từ vốn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, một năm sau, tháng 3/2009, Cục Thống kê TP Hà Nội công bố tổng vốn đầu tư đoạn đường này là 642,3 tỉ đồng (trong đó, chi phí xây dựng 48,9 tỉ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là 527,2 tỉ đồng...). 

Vậy là, tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư đoạn đường hơn 500m này đã được hoạch định tăng gần gấp rưỡi trong trong 1 năm qua, đưa dự án này lên "top" con đường đắt nhất hành tinh!?

Được biết, diện tích đất thu hồi phục vụ dự án Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu khoảng 30.315m2, với 550 hộ phải di dời, trong đó 500 hộ được tái định cư dự kiến tại nhà A6 khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy).

Công tác giải phóng mặt bằng đoạn này sẽ chia làm 3 đợt, cơ bản hoàn thành trong năm 2009. Đoạn này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và vỉa hè dọc hai bên.

So sánh với một số dự án giao thông khác đang triển khai trên địa bàn Hà Nội: đoạn Cầu Chui - Cầu Đuống dài 4km tổng mức đầu tư cải tạo, mở rộng là 650 tỉ đồng; 12 tuyến giao thông ngoại thành cần vốn đầu tư khoảng 48,7 tỉ đồng để cải tạo ngay trong năm 2009...


Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2009

Loài cá lạ có đầu trong suốt

Các nhà khoa học tại California, Mỹ đã ghi hình một loài cá rất lạ có cái đầu trong suốt. Và cuộc "chạm trán" đã giúp các nhà nghiên cứu giải mã bí ẩn suốt 50 năm về cách loài cá này sử dụng đôi mắt khác thường để quan sát đáy biển tối tăm.



Sống ở vùng nước sâu, loài cá kỳ lạ có tên gọi là cá mắt thùng (barreleye). Nó có cái đầu trong suốt và đôi mắt hình ống. Kể từ khi được phát hiện năm 1939, các nhà sinh vật học đã biết mắt của chúng rất giỏi hấp thu ánh sáng. Nhưng với đôi mắt hình ống, cá mắt thùng chỉ nhìn thấy những gì ở bên trên đầu nó.

Giờ đây, các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng, đôi mắt của cá mắt thùng có thể xoay được, cho phép chúng nhìn thẳng về phía trước hoặc nhìn lên trên thông qua cái đầu trong suốt.Cá mắt thùng sống thích nghi với môi trường tối tăm dưới đáy biển, nơi ánh sáng mặt trời không thể tới được. Chúng sử dụng đôi mắt hình ống cực kỳ nhạy cảm để tìm kiếm bóng dáng của con mồi lượn lờ ở bên trên đỉnh đầu.



Các nhà khoa học từng nghĩ rằng đôi mắt của cá mắt thùng là cố định với hướng nhìn lên trên. Điều này khiến cá khó có khả năng nhìn trực tiếp những gì ở trước mặt, và rất khó cho chúng khi bắt giữ con mồi do miệng nhỏ và nhọn.

Bruce Robison và Kim Reisenbichler, từ Viện nghiên cứu hải dương Monterey Bay tại California, đã sử dụng các video quay được từ hệ thống điều khiển từ xa các thiết bị ngầm dưới nước (ROVs) để nghiên cứu cá mắt thùng.

Ở độ sâu 600-800 m, các camera ROVs cho thấy loài cá này bất động trong nước, mắt của chúng phát ra ánh sáng màu xanh. Các video cũng tiết lộ một đặc điểm chưa từng được miêu tả của loài cá này: đôi mắt của chúng được bao quanh bởi một lớp chất lỏng trong suốt. Lớp chất lỏng này trùm lên trên đầu cá.

Hầu hết những miêu tả và minh họa về loài cá mắt thùng trước kia không nói đến lớp chất lỏng trong suốt, có thể là do cấu trúc mỏng manh này đã bị vỡ khi cá mắt thùng được đưa bằng lưới từ đáy biển lên mặt nước.
 
Nhưng qua vài giờ nghiên cứu con cá mắt thùng trong bể sau khi đưa nó lên bờ thành công, Robison và Reisenbichler kết luận rằng đôi mắt hình ống của con cá đã xoay khi nó chuyển vị trí cơ thể từ nằm ngang sang chiều thẳng đứng.

Cá mắt thùng được cho là ăn sứa và những con cá nhỏ. Sắc tố màu xanh trong mắt của chúng có thể lọc ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp từ mặt biển, giúp cá mắt thùng phát hiện sứa và những động vật khác bên trên đầu của nó. Khi phát hiện con mồi, cá mắt thùng sẽ xoay mắt về phía trước và bơi lên.

(Theo Dân Trí)